Khoảng 20 con voi chết trong vòng 8 năm qua sau khi ăn rác thải nhựa ở bãi rác tại làng Pallakkadu thuộc quận Ampara, cách thủ đô Colombo khoảng 210 km về phía đông. Kết quả kiểm tra cho thấy chúng đã nuốt lượng lớn nhựa không phân hủy trong bãi rác, theo bác sĩ thú y Nihal Pushpakumara. "Polythene, màng bọc thực phẩm, nhựa, các hợp chất không thể tiêu hóa khác và nước là những thứ chúng tôi có thể nhìn thấy khi khám nghiệm. Không có dấu vết của thức ăn thông thường mà loài voi hay ăn và tiêu hóa", Pushpakumara nói.
Voi được tôn thờ ở Sri Lanka nhưng vẫn nằm trong danh mục nguy cấp. Số lượng của chúng đã giảm mạnh từ 14.000 con vào thế kỷ 19 xuống 6.000 con trong năm 2011, theo cuộc điều tra số lượng voi đầu tiên tại Sri Lanka. Chúng rất dễ bị tổn thương bởi môi trường sống tự nhiên mất dần và xuống cấp. Nhiều con voi tới quá gần nơi ở của con người để tìm kiếm thức ăn, một số bị giết bởi thợ săn trộm hoặc những nông dân giận dữ do bị chúng phá hoại mùa màng.
Voi đói bụng thường mò rác ở bãi rác, ăn rác thải nhựa cũng như đồ vật sắc nhọn có thể phá hủy hệ tiêu hóa của chúng, Pushpakumara cho biết. Những con voi sau đó bỏ ăn và trở nên quá yếu để có thể đứng thẳng. Khi điều đó xảy ra, chúng không thể tiêu hóa thức ăn hay nước uống và chết nhanh chóng.
Năm 2017, chính phủ Sri Lanka thông báo kế hoạch tái chế rác ở những bãi rác gần khu vực hoang dã để ngăn voi ăn rác thải nhựa. Nhà chức trách cũng dự định dựng hàng rào dây điện quanh bãi rác nhằm ngăn voi tới gần. Nhưng kế hoạch không được áp dụng toàn diện. Có 54 bãi rác ở khu vực hoang dã trên cả nước và khoảng 300 con voi thường lang thang gần đó. Khu quản lý rác ở làng Pallakkadu được lập ra vào năm 2008 với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu. Rác thu gom từ 9 ngôi làng gần đó tập kết tại đây nhưng không được tái chết.
Năm 2014, hàng rào điện bảo vệ khu vực bị sét đánh trúng và nhà chức trách không sửa chữa, tạo điều kiện cho voi mò vào và lang thang trong bãi rác. Cư dân địa phương cho biết những con voi đã chuyển tới gần hơn và định cư gần bãi rác, khiến dân làng lo sợ. Nhiều người sử dụng pháo để xua đuổi khi chúng đi lạc vào làng và dựng hàng rào điện quanh nhà. Nhưng dân làng thường không biết cách dựng hàng rào điện an toàn và có thể đe dọa tính mạng của chính họ cũng như của những con voi, theo Keerthi Ranasinghe, thành viên hội đồng làng.
An Khang (Theo Phys.org)