Các nhà khoa học phát hiện một nhóm cá mập đầu búa lớn (Sphyrna mokarran) gồm toàn con cái tụ tập một cách khác thường ở vùng biển nhiệt đới của vùng Polynesia thuộc Pháp vào mỗi mùa hè suốt hơn một thập kỷ, với số lượng đạt đỉnh điểm vào dịp trăng tròn. Phát hiện mới công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science hôm 29/8.
Cá mập đầu búa tụ tập vào mùa hè ở Nam bán cầu (tháng 12 - 3), xung quanh các vùng nước thoáng ở hai đảo san hô Rangiroa và Tikehau thuộc quần đảo Tuamotu. Đảo san hô là hòn đảo hoặc rạn san hô vòng tròn bao quanh một đầm phá, hình thành khi đất bị xói mòn và chìm xuống dưới bề mặt đại dương.
Hè năm 2020 và 2021, nhóm nghiên cứu phát hiện 54 con cái thuộc loài cá mập đầu búa lớn và một con chưa xác định được giới tính xung quanh hai đảo san hô (2 đảo này cách nhau 15 km). Họ cho biết, hơn một nửa số cá mập là những "cư dân theo mùa", nghĩa là chúng ở đó tối đa 6 ngày một tháng trong tối đa 5 tháng.
Theo nghiên cứu, những con cá mập cái gần đảo san hô Rangiroa chủ yếu tập trung tại một địa điểm gọi là "cao nguyên cá mập đầu búa" - một khu vực sâu 45 - 60 m. Các chuyên gia chủ yếu bắt gặp chúng di chuyển độc lập với nhau quanh đáy cao nguyên.
Cá mập đầu búa lớn được xếp vào nhóm động vật cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Chúng là loài sống đơn độc, nên việc nhiều con cái cùng xuất hiện quanh hai đảo san hô Rangiroa và Tikehau cho thấy khu vực này là một điểm tụ tập. Nhiều khả năng chúng không có quan hệ với nhau mà bị thu hút đến đó do các yếu tố bên ngoài. Các yếu tố này dường như liên quan đến chu kỳ Mặt Trăng và sự hiện diện của cá đuối đại bàng đốm trắng (Aetobatus ocellatus).
Cá mập đầu búa lớn tập trung đông nhất vào những ngày xung quanh thời điểm trăng tròn trong cả hai mùa hè. Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể là ánh trăng sáng hơn giúp chúng săn mồi quanh đảo san hô vào ban đêm tốt hơn. Ngoài ra, cũng có khả năng chúng phản ứng với những thay đổi trong từ trường Trái Đất khi Mặt Trăng thay đổi.
Sự tụ tập của cá mập đầu búa lớn quanh hai đảo san hô trùng với thời gian nhiều con cá đuối đại bàng đốm trắng đổ xô tới đầm phá để sinh sản. Cá mập đầu búa lớn săn loài cá đuối này và mùa giao phối của chúng là một sự kiện được đoán trước mà những kẻ đi săn cố gắng quấy nhiễu.
Ngoài ra, nhiệt độ nước tăng sau những tháng mùa đông cũng có thể thu hút cá mập đầu búa lớn kéo đến quần đảo Tuamotu. Nhóm nhà khoa học so sánh quan sát của họ với dữ liệu dài hạn được thu thập trên các đảo san hô và nhận thấy, một số con quay lại vào mọi mùa hè trong suốt 12 năm. Họ xác định thêm 30 con đực và cái từ dữ liệu cũ, đồng thời nhận thấy các con đực chủ yếu xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 10 thay vì mùa hè. Như vậy, cá mập đầu búa lớn đực vẫn ở cách xa địa điểm mà con cái sống ở Nam bán cầu trong mùa hè, điều này có thể liên quan đến thời kỳ sinh sản.
Đầm phá, với vùng nước nông ấm áp được bảo vệ, là nơi sinh sản của nhiều loài cá mập. Nhóm chuyên gia chưa thể xác nhận điều này trong nghiên cứu mới, nhưng họ đang nghiên cứu sâu hơn để xác định xem liệu hai đảo san hô Rangiroa và Tikehau có phải là nơi sinh sản của cá mập đầu búa lớn hay không.
Thu Thảo (Theo Live Science)