Hertz Global Holdings hôm qua (22/5) nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án ở Delaware. Hãng cho thuê xe hơi lao đao do quyết định phong tỏa của giới chức nhằm ngăn Covid-19 lây lan. Phần lớn doanh thu của họ đến từ việc cho thuê xe tại sân bay. Tuy nhiên, nhu cầu này đã bốc hơi do hành khách hạn chế di chuyển bằng máy bay.
"Tác động của Covid-19 lên nhu cầu đi lại ập đến quá mạnh và đột ngột, khiến doanh thu và lượng đặt xe của công ty lao dốc", thông báo của công ty cho biết.
Hertz trước đó đã đàm phán với các chủ nợ về việc bỏ qua các hạn chót thanh toán cuối tháng 4. Thỏa thuận sau đó được lùi sang ngày 22/5. Tuy nhiên, hãng hôm qua đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản, khẳng định sẽ tái cấu trúc nợ và tiếp tục kinh doanh với nền tảng tài chính vững mạnh hơn.
Với gần 19 tỷ USD nợ và 38.000 nhân viên trên toàn cầu, tính đến cuối năm 2019, Hertz là một trong những công ty lớn nhất Mỹ phá sản vì đại dịch. Cuộc khủng hoảng y tế này đã khiến hàng loạt công ty phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng, như bán lẻ, nhà hàng và dầu khí sụp đổ. Các hãng hàng không đến nay vẫn tránh được tình cảnh này, nhờ hàng tỷ USD cứu trợ từ chính phủ. Đây cũng là nguồn tiền Hertz đã cố tiếp cận, nhưng không thành công.
Hertz thành lập năm 1918, hiện quản lý các thương hiệu cho thuê xe Hertz, Dollar và Thrifty. Cổ đông lớn nhất của hãng là tỷ phú đầu tư Carl Icahn, với gần 39% cổ phần.
Hertz hiện có khoảng 1 tỷ USD tiền mặt. Tuy vậy, giá trị số xe mà hãng sở hữu đã giảm sút do đại dịch. Nhằm xoa dịu các chủ nợ, Hertz đã đề xuất bán hơn 30.000 xe một tháng cho đến cuối năm nay, với kỳ vọng thu về quanh 5 tỷ USD, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Hãng hiện có đội xe hơn 500.000 chiếc.
Ngày 16/5, hội đồng quản trị Hertz đã chỉ định Paul Stone thay thế Kathryn Marinello đảm nhận chức CEO. Hertz trước đó đã sa thải 10.000 nhân viên.
Công ty từng ra tín hiệu có thể tránh được phá sản nếu được các chủ nợ giảm nợ, hoặc chính phủ hỗ trợ tài chính. Trong gói cứu trợ 2.300 tỷ USD được thông qua hồi tháng3, hàng trăm tỷ USD được dành hỗ trợ doanh nghiệp. Một nhóm hoạt động đại diện cho các hãng cho thuê xe tại Mỹ vẫn đang đề nghị Quốc hội làm nhiều hơn để cứu ngành này.
Dù vậy, kể cả trước khi đại dịch bùng phát, Hertz và các hãng cho thuê xe khác cũng đã gặp rắc rối tài chính, do người dùng chuyển sang các dịch vụ đi chung xe, như Uber hay Lyft. Để cạnh tranh với Uber, Hertz đã lập kế hoạch cải tổ, hiện đại hóa ứng dụng trên smartphone và cải thiện việc quản lý đội xe.
Hà Thu (theo Reuters)