Ông Vũ Tấn Dậu, Chủ tịch UBND phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên, cho biết chính quyền đã nhận được phản ánh từ đầu tháng 4 về việc gia đình ông Bùi Đệ tranh cãi với khách về chuyện thu phí 50.000 đồng để được chụp ảnh ở con đường hoa gạo tại địa phương.
Theo đại diện chính quyền, hàng cây gạo đã có từ lâu, một số cây nhỏ do gia đình ông Đệ tự trồng thêm và chăm sóc. Vài năm trước, nhiều khách đến chụp ảnh đã tự nguyện trả cho ông Đệ một khoản phí nhỏ để cảm ơn công trồng, chăm sóc cây. Sau này, nhà ông Đệ cũng làm thêm một số tiểu cảnh như cầu qua kênh, lều nhỏ để khách thay đồ chụp ảnh. Tuy nhiên, con đường hoa gạo là khu vực bờ mương của địa phương, không do ông Đệ quản lý nên việc tự ý thu phí là sai quy định pháp luật.
Ngày 1/4, UBND phường Tiên Nội đã lập biên bản, nhắc nhở và gia đình ông Đệ đã chấp hành, đồng ý phá bỏ cây cầu gỗ, lều thay quần áo.
"Du khách phương xa có thể đến con đường hoa gạo này và thoải mái chụp ảnh, không lo mất phí", ông Dậu nói.
Sự việc gây chú ý trên mạng xã hội và nhiều thông tin sau đó cho rằng hàng cây gạo đã bị chặt hết. Tuy nhiên, đại diện phường Tiên Nội khẳng định hàng cây gạo nổi tiếng vẫn còn và hình ảnh cây hoa gạo bị chặt trên mạng thực chất là một số cành nhỏ, "không ảnh hưởng cảnh quan chung".

Con đường hoa gạo hiện tại vẫn còn những cây lớn nhưng tiểu cảnh cầu gỗ và một số cành nhỏ đã được chặt, dỡ. Ảnh: NVCC
Theo ông Bùi Đệ, không có chuyện gia đình "tức vì không được thu phí" nên phá hoại đường hoa gạo. Ông nói "không biết" ai đã chặt cây gạo.
Theo ông, địa phương có khoảng 50 cây gạo, trong đó khoảng 30 cây được trồng cách đây vài chục năm. Số còn lại là cây nhỏ do ông trồng cách đây khoảng 5 năm và vẫn chăm sóc hằng ngày.
Gia đình đã dựng lều, bài trí thêm tiểu cảnh để phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách và bắt đầu thu phí cách đây ba năm. Mùa hoa năm nay đẹp hơn do chi phí phân bón, công chăm sóc nhiều hơn nên ông thu 50.000 đồng. Tuy nhiên, từ 30/3, sau khi mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh cự cãi giữa vợ ông và một số du khách, chính quyền địa phương đã yêu cầu tháo dỡ lều và dừng mọi hoạt động thu phí.
Bùi Thị Thúy, nhiếp ảnh gia Hà Nội, cho biết đã chụp ảnh ở con đường hoa gạo này từ 5-6 năm trước. Sáng 10/4, khi đưa khách đến chụp ảnh, nhóm của chị Thúy thấy một số cành hoa gạo rủ sát xuống mặt nước đã bị chặt.
"Thực sự rất tiếc, hoa gạo ở miền Bắc có nhiều nhưng tôi nghĩ nơi này có cảnh nên thơ nhất", chị nói. Nữ du khách chia sẻ cành hoa gạo nhỏ, rủ sát mặt nước nên dễ chụp ảnh đẹp.
Theo chị, trước đây con đường này rất bẩn, nhiều chất thải của gia súc, gia cầm, rác. Tuy nhiên, khoảng ba năm gần đây, gia đình ông Đệ đã dọn dẹp, chăm sóc hàng cây đẹp nên chị Thúy đều vui vẻ gửi một khoản phí cảm ơn khi đến chụp ảnh.
Hoa gạo được trồng ở nhiều điểm khắp miền Bắc như Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình. Loài hoa này thường nở rộ trong khoảng 2 tuần tháng 3, sau đó hoa rụng và cây bắt đầu ra lá.
Tú Nguyễn - Tuấn Anh