Đường Trần Khắc Chân (gần khu chợ Tân Định, quận 1) vốn là một điểm tập trung nhiều quán ăn uống ở trung tâm thành phố. Tại đây có một hàng bánh canh vỉa hè luôn toả khói nghi ngút vào buổi sáng. Dụng cụ bếp và bàn ghế sạch bóng khiến nhiều người tưởng quán mới mở nhưng thực tế, địa chỉ ẩm thực này đã tồn tại hơn 60 năm.
Chủ quán là cô Thanh (48 tuổi), đời thứ ba bán bánh canh trong gia đình. "Đầu tiên là bà ngoại bán cả bánh canh, cháo thịt heo và cá hơn 20 năm, sau đó đến mẹ chồng tôi bán bánh canh thịt heo 30 năm và tôi tiếp quản tới giờ là 13 năm", bà chủ nói.
Sau nhiều năm, quán thay dụng cụ nấu và bàn ghế cho sạch đẹp nên không còn giữ vẻ cũ kỹ như nhiều quán ăn lâu đời ở Sài Gòn. Món ăn ở đây thoạt nhìn hơi đơn điệu chỉ có sợi bánh trắng, vài miếng thịt heo, nước lèo trong vắt, một nhúm hành lá và hành khô. Tuy nhiên quán vẫn hút khách bởi độ ngon của sợi bánh và nước lèo.
Thịt heo bao gồm các bộ phận như thịt ba chỉ thái lát, thịt chân giò, thịt xương và da heo. Thực khách có thể chọn ăn riêng từng loại hoặc thập cẩm, cho chung vào bánh canh hoặc để riêng đều được. Xương hay móng gió đều to và nhiều thịt, còn da heo được cạo sạch lông, khi ăn thấy mềm, dai và béo.
Theo cô Thanh, sợi bánh canh được làm nguyên chất từ bột gạo, nhờ đó mà có được độ dai mềm, vị bùi, mùi thơm của gạo (một số hàng khác chọn bánh canh làm từ bột mì hoặc bột năng). Mặc dù được ngâm nấu trong nước nóng, sợi bánh canh bột gạo không hề bị bở và đứt. Chủ quán kể lại, thời bà và mẹ cô bán thường tự làm sợi bánh canh tại chỗ. "Hiện bánh canh được nhập từ một lò làm sợi lâu năm ở Sài Gòn", cô nói.
Nước lèo nhìn trong vắt nhưng có vị thanh ngọt từ xương heo. Tô bánh canh dọn ra lúc nào cũng kèm theo chén mắm tiêu để chấm thịt. Khác với các quán khác, địa chỉ này không phục vụ rau giá ăn kèm. "Có thể để tránh bị loãng vị của tô bánh canh vì ăn bình thường đã nêm nếm vừa miệng rồi", một thực khách cho hay.
Quán trước giờ chỉ bán ở một địa điểm cũng là nơi sinh sống của cả gia đình suốt hàng chục năm. "Trước đây, xung quanh nhà là ruộng rau muống, giờ đã thành khu dân cư đông đúc. Chục năm trở lại đây, quán lùi ra ngoài vỉa hè để đón khách vì ngôi nhà nằm lọt thỏm trong hẻm chật chội", chủ quán tâm sự.
Mỗi suất bánh canh tại đây có giá từ 30.000 đồng. Khách có thể chọn ăn phần thập cẩm hoặc tự chọn các loại thịt. Quán chỉ mở cửa buổi sáng từ 6h đến khoảng 10h hoặc khi hết hàng. Khách ngồi ăn trên bàn ghế cao được chủ xếp gọn gàng.