Thông tin này được Hancorp nêu trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thường niên cuối tháng 5.
Giai đoạn 2019-2024, Hancorp đã hoàn thành đầu tư và bàn giao 4 dự án bất động sản ở khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội gồm khu nhà ở N04A, khu biệt thự BT1-BT6, nhà cao tầng N01-T8 và N01-T6,7. Các dự án có tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng, với hơn 1.250 căn hộ, 155 biệt thự. Công ty sẽ tiếp tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án như NT1, NT2, TH1, TH2, CC34 và điều chỉnh quy hoạch cục bộ lô N01-NG, N02-NG từ nay đến năm 2029.
Đồng thời, ông lớn xây dựng này cũng cho biết đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu, tìm kiếm làm các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hà Nam, Đồng Nai với gần 10.000 căn hộ.
Trong mảng xây lắp, công ty đã trúng thầu 18 công trình, giá trị thực hiện khoảng 4.460 tỷ đồng. Trong đó, Hancorp trực tiếp quản lý, thi công một số dự án lớn như nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, một số gói thầu tại sân bay Long Thành.
Năm ngoái, Harncorp đạt doanh thu trên gần 2.190 tỷ đồng, tăng khoảng 34% so với 2022 và 44% so với 2021. Tuy nhiên, lãi trước thuế của doanh nghiệp này năm 2023 lại sụt giảm 30% so với năm trước đó. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng thấp lần lượt 4% và 2%^ so với 2023.
Hancorp là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng được thành lập năm 1982. Năm 2014, Hancorp chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ hơn 1.410 tỷ đồng. Sau đó 2 năm, cổ phiếu HAN của Hancorp đăng ký giao dịch trên UPCoM. Hiện tại, mã này có giá quanh 9.000 đồng.
Bộ Xây dựng đến nay vẫn xem xét nội dung đề án tái cơ cấu lại Hancorp. Giai đoạn 2022-2025, đơn vị này đã đề xuất giao quyền đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại Hancorp về SCIC.
Anh Tú