Người hâm mộ nhớ đến Hán Văn Tình với hình ảnh của một anh nông dân Chu Văn Quềnh trong Đất và người có tính cách ba ngang ba ngửa nhưng thật thà, tốt tính. Cái đầu trọc, điệu cười hề hề, tính tình tuếch toác, hay rượu và câu nói cửa miệng "Không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại" của Chu Văn Quềnh đã đóng đinh với sự nghiệp của Hán Văn Tình.
Trước khi Chu Văn Quềnh lên màn ảnh, Hán Văn Tình đã hóa anh nông dân Trương Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng - cũng hay rượu, bặm trợn nhưng thương mẹ và dễ động lòng trước người đàn bà có hoàn cảnh đáng thương, hay anh nông dân tên Sở trong Bão qua làng với tính cách "phổi bò", hài hước.
Trong những vở diễn hài Hán Văn Tình tham gia hay những lần đi diễn tỉnh, hình ảnh người nông dân cũng trở đi trở lại. Chính những vai diễn nông dân đưa Hán Văn Tình đến gần và được khán giả cả nước yêu mến, nhớ tới.
* Các vai diễn nông dân ghi dấu ấn Hán Văn Tình
Hán Văn Tình ngoài đời cũng là một con người của thôn quê. Quê gốc Phú Thọ, sống ở Hà Nội nhiều năm nhưng ông vẫn giữ chất giọng sang sảng, mộc mạc của vùng đất Văn Lang "cả làng nói phét".
Nhiều người mặc định ngoài đời Hán Văn Tình cũng tuếch toác và hay rượu, tếu táo lại có tí ma lanh như trên phim. Thế nhưng, từng gặp ông mới thấy tất cả những thứ cường điệu mà khán giả được xem chỉ là dành cho vai diễn. Hán Văn Tình ngoài đời hiền lành, mộc mạc, gần gũi. Ông nói chuyện thoải mái, cởi mở, chân chất nhưng cũng đầy nghiêm túc về chuyện đời, chuyện nghề.
Ông từng chia sẻ không thích uống rượu, chỉ uống khi buộc phải diễn. Thế nhưng, khi ngồi cùng mọi người, bao giờ Hán Văn Tình cũng quan sát để biết cách khi say người ta thế nào, từ đó vận dụng vào vai diễn. Ông từng nói nhiều diễn viên trẻ ngày nay không chịu quan sát, để ý nên mỗi lần diễn vai say thường khiến người xem cảm thấy không thật.
Trong ngôi nhà cất tạm trên một mảnh đất ruộng ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, gia đình bốn người của nghệ sĩ Hán Văn Tình sống giản dị, bình dân. Mãi sau Tết, vợ ông mới có thể thuê người sửa sang cho thoáng mát, tươm tất hơn. Hồi tháng 6, khi đến thăm Hán Văn Tình, trong lúc ông nằm một chỗ vì đau yếu, vợ ông vẫn đang tất bật gọi người đến sửa lại bộ lọc nước giếng khoan vì khu nhà ở đây chưa có nước máy. Bình thường khi còn khỏe, ông vẫn đi xe máy đèo vợ khắp nơi. Gần đây, tới nhà thấy xuất hiện chiếc xe hơi nằm cuối ngõ. Con gái nghệ sĩ cho biết xe được ông dùng để đưa gia đình về quê ăn Tết. Nhưng rồi từ khi nghệ sĩ nhập viện trở lại, chiếc xe cũng nằm đắp bạt trước cổng nhà.
Đối với Hán Văn Tình, diễn xuất là nghiệp. Ông xuất thân là diễn viên tuồng. Niềm đam mê nghệ thuật sân khấu khơi dậy trong ông từ nhỏ, khi những đoàn nghệ thuật lên quê ông biểu diễn. Trong một lần, đoàn của trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam về thông báo tuyển. Hán Văn Tình khi đó mới học lớp bảy, một mình khăn gói lên Hà Nội đăng ký thi và theo học từ năm 1973. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ông nhận nhiều Huy chương bạc cho các vở diễn và được Huy chương “Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam” do Hội nghệ sĩ sân khấu tặng năm 1999. Cái duyên trên sân khấu tuồng đưa ông đến với phim điện ảnh Canh bạc, rồi từ đó được các đạo diễn phát hiện mời đóng phim truyền hình, tham gia đóng hài, đi diễn nhiều nơi. Trong những câu chuyện khi còn sống, ông luôn bày tỏ trăn trở về việc gìn giữ, phát triển sân khấu Tuồng giữa bối cảnh hiện nay.
Ngay cả khi đã lâm bệnh, Hán Văn Tình vẫn mong mỏi được khỏe trở lại để làm nghề. Cuối năm 2015, khi bình phục, ông thậm chí trở lại tham gia hài Tết và đi diễn một số tỉnh gần. Hồi tháng 6, khi bệnh tái phát tưởng không qua khỏi, khó khăn mới có thể ăn uống, mỗi khi hỏi chuyện nghệ sĩ đều thở hắt mệt mỏi và nói “Kệ thôi”, “Thế thôi”. Nhưng khi được đọc cho nghe những lời chia sẻ của độc giả cầu chúc ông mau khỏi, nghệ sĩ rơi nước mắt rồi tỏ ra vững vàng hơn. Một, hai tháng trước đây, khi có dấu hiệu hồi phục, ông thậm chí còn bày tỏ với bạn bè về một ngày sẽ cùng họ đi diễn hài Tết.
Nghệ sĩ qua đời 11h20 phút trưa nay, sau nhiều lần kiên cường chống chọi với bệnh ung thư phổi. Gia đình, bạn bè thân thiết cùng các sư thầy sẽ tụng kinh niệm Phật trong 24h để cầu mong ông siêu thoát. Sau đó, gia đình đưa ông lên Nhà tang lễ Phùng Hưng để tổ chức lễ tang.