"Hàn Quốc sẽ xây dựng cụm bán dẫn lớn nhất thế giới tại tỉnh Kyunggi vào năm 2047 khi Samsung Electronics, SK Hynix và các công ty chip khác có kế hoạch đầu tư tổng cộng 622 nghìn tỷ won (471 tỷ USD)", Korean Times dẫn lời đại diện Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 15/1.
Theo Bloomberg, chính phủ Hàn Quốc đã lên lộ trình chi tiết cho tham vọng của mình, trong đó sẽ chi tiền cho 13 nhà máy chip và ba cơ sở nghiên cứu, bên cạnh hạ tầng hiện có. Cụm siêu nhà máy trải dài từ Pyeongtaek đến Yongin, dự kiến xuất xưởng 7,7 triệu tấm wafer hàng tháng, bắt đầu từ 2030. Khoản đầu tư 471 tỷ USD sẽ hoàn thành năm 2047, đa số huy động từ khối tư nhân.
SCMP cho biết đây là một phần kế hoạch kéo dài hai thập kỷ, hỗ trợ Samsung, SK Hynix xây dựng nhà máy sản xuất chip phức tạp nhất tại quê nhà. Samsung dự kiến có sáu nhà máy mới, đầu tư 360 nghìn tỷ won (hơn 250 tỷ USD). Ngoài ra, công ty có kế hoạch lập ba nhà máy ở Pyeongtaek với vốn đầu tư 120 nghìn tỷ won và ba nhà máy nghiên cứu tại trung tâm R&D ở quận Giheung với chi phí 20 nghìn tỷ won. Trong khi đó, SK Hynix sẽ chi 122 nghìn tỷ won xây bốn nhà máy tại một khu công nghiệp khác ở Yongin. Samsung đặt cược lớn vào xưởng đúc và sản xuất chip cho công ty khác, còn SK Hynix nhắm đến chip nhớ.
Hàn Quốc công bố kế hoạch về trung tâm bán dẫn lớn nhất thế giới giữa lúc cạnh tranh toàn cầu gia tăng. Các khu vực lân cận như Nhật Bản, Đài Loan đều đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực chip. Hàn Quốc nhấn mạnh cụm siêu chip sẽ mở rộng đến cả các công ty cung cấp vật liệu, thiết kế chip quy mô nhỏ. Tham vọng của họ là cải thiện khả năng tự cung tự cấp trong chuỗi cung ứng bán dẫn từ 30% lên 50% vào 2030.
Pangyo, nơi tập trung các công ty sản xuất hàng đầu, sẽ sản xuất chip AI hiệu suất cao. Suwon sẽ là trung tâm thử nghiệm chất bán dẫn phức hợp, trong khi Pyeongtaek tập trung vào R&D chất bán dẫn mới tại khuôn viên của Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc, dự kiến hoàn thành năm 2029.
Phát biểu trong cuộc họp ở Suwon, tỉnh Kyunggi hôm 15/1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói: "Các nhà máy điện hạt nhân trong nước sẽ cung cấp nguồn điện ổn định cho cụm sản xuất chip mới. Các công ty đầu tư nước ngoài đã đổ xô vào đây để tìm kiếm cơ hội kinh doanh".
Ngoài cơ sở hạ tầng, Hàn Quốc đặt mục tiêu bồi dưỡng nhân tài địa phương, tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài làm việc và nghiên cứu. Chính phủ ước tính kế hoạch 471 tỷ USD của họ tạo cơ hội việc làm cho 3,46 triệu người.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực để chất bán dẫn thành mặt hàng xuất khẩu số một của đất nước. Thành công của cụm trung tâm sẽ tiếp tục lan rộng đến các khu vực khác, biến Hàn Quốc trở thành trung tâm chip hàng đầu thế giới", Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun nói.
Khương Nha