Ủy ban Sự thật và Hòa giải, cơ quan do quốc hội Hàn Quốc thiết lập, ngày 26/3 công bố các phát hiện sau cuộc điều tra kéo dài hai năm. Họ tuyên bố phát hiện hành vi vi phạm nhân quyền trong ít nhất 56 trường hợp trẻ em được nhận nuôi, từ đơn kiến nghị của 367 người được đưa đến 11 quốc gia làm con nuôi năm 1964 đến năm 1999, trong đó có Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển.
Họ công bố một bức ảnh với chú thích "Trẻ em bị gửi ra nước ngoài như hành lý", kèm ảnh các em bé quấn trong chăn, buộc chặt vào ghế máy bay thương mại năm 1984.

Trẻ em Hàn Quốc được đưa ra nước ngoài làm con nuôi năm 1984. Ảnh: Yonhap
Theo điều tra, các cơ quan cho nhận con nuôi của Hàn Quốc đã làm theo yêu cầu của các tổ chức nước ngoài, hàng tháng gửi một lượng trẻ nhất định.
"Trong gần 50 sau Chiến tranh Triều Tiên, chính phủ ưu tiên gửi trẻ ra nước ngoài như một giải pháp tiết kiệm chi phí, thay vì tăng cường các chính sách phúc lợi trẻ em trong nước", ủy ban cho biết, cáo buộc chính phủ thời đó bỏ bê trách nhiệm giám sát và không ngăn chặn các hành vi sai trái như làm giả hồ sơ trẻ mồ côi, sửa đổi danh tính trái phép, không kiểm tra kỹ bố mẹ nhận nuôi.
Ủy ban khuyến nghị chính phủ Hàn Quốc đưa ra lời xin lỗi chính thức và tiến hành các cuộc điều tra nối tiếp.

Một bà mẹ Hàn Quốc cầm ảnh con trai bị bắt cóc, gửi sang nước ngoài làm con nuôi năm 1975. Ảnh: AP
Quốc hội Hàn Quốc thành lập ủy ban điều tra độc lập này vào năm 2020 để điều tra các vụ kiện, trình báo xuất hiện ngày một nhiều, gây chấn động thế giới liên quan đến mô hình gửi con nuôi ở Hàn Quốc trong quá khứ.
Văn phòng quyền Tổng thống Hàn Quốc chưa bình luận về kết quả điều tra của ủy ban.
Bên cạnh khuyến nghị xin lỗi, ủy ban còn kêu gọi chính phủ khảo sát toàn diện về tình trạng quốc tịch của những người bị gửi đi trong quá khứ, cũng như đưa ra các biện pháp khắc phục cho các nạn nhân.
"Những vi phạm này không bao giờ được phép xảy ra", Park Sun-young, chủ tịch ủy ban, cho biết. "Chúng ta phải cùng nhau giải quyết các cuộc khủng hoảng danh tính mà nhiều người bị đưa đi làm con nuôi đối mặt".
Đức Trung (Theo Reuters, Guardian, AFP)