"Chúng tôi sẽ lắp đặt loa phóng thanh chống Triều Tiên ngay hôm nay và tiến hành phát sóng", Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/6 cho hay. "Triều Tiên hoàn toàn chịu trách nhiệm việc căng thẳng leo thang giữa hai nước".
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc mô tả động thái này là "biện pháp đáp trả tương ứng" sau khi Triều Tiên hôm 8/6 tiếp tục thả 1.400 bóng, mang 7,5 tấn rác thải qua biên giới.
"Các biện pháp chúng tôi đang thực hiện có thể khiến chính quyền Triều Tiên khó mà chịu đựng, nhưng chúng sẽ mang đến thông điệp về ánh sáng và hy vọng cho quân đội, nhân dân Triều Tiên", tuyên bố của Hàn Quốc nêu thêm.
Chương trình phát sóng của Hàn Quốc được phát từ nhiều loa công suất lớn xếp trên các giá đỡ, bao gồm tin tức về tình hình thế giới kết hợp cùng nhạc K-pop. Âm thanh từ các loa này được cho là có thể truyền đi hơn 20 km vào lãnh thổ Triều Tiên.
Quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Căng thẳng gia tăng khi Bình Nhưỡng tuần trước thả gần 1.000 quả bóng bay mang rác thải qua biên giới. Triều Tiên gọi đây là "món quà chân thành" để đáp trả việc các nhà hoạt động ở Hàn Quốc thả sang những quả bóng bay chứa thông tin tuyên truyền chống lãnh đạo Kim Jong-un.
Bình Nhưỡng hôm 2/6 tuyên bố ngừng thả bóng bay. Vài ngày sau, một số nhóm tự nhận là người Triều Tiên đào tẩu ở Hàn Quốc thả bóng bay mang theo truyền đơn và USB chứa nhạc K-pop sang bên kia biên giới. Động thái này khiến Triều Tiên ngày 8/6 tiếp tục thả bóng bay chứa giấy vụn và rác thải nhựa.
Quân đội Hàn Quốc ngày 4/6 tuyên bố khôi phục toàn bộ hoạt động dọc biên giới với Triều Tiên, sau khi đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, để đáp trả hoạt động thả bóng bay của Bình Nhưỡng. Động thái này khiến Seoul có "tổ chức huấn luyện ở các khu vực gần biên giới" cũng như "phản ứng đầy đủ, lập tức đối với những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng".
Giới chuyên gia đánh giá việc Hàn Quốc nối lại hoạt động phát loa tuyên truyền có thể gây ra tác động nghiêm trọng. Chiến thuật có từ thời Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 này đã khiến Bình Nhưỡng tức giận. Họ từng đe dọa pháo kích vào các đơn vị loa tuyên truyền nếu chúng không được tắt đi.
Năm 2018, trong giai đoạn quan hệ liên Triều được cải thiện, lãnh đạo hai nước nhất trí "ngừng hoàn toàn hành động thù địch", trong đó có dừng rải truyền đơn. Quốc hội Hàn Quốc hồi năm 2020 thông qua luật hình sự hóa hành vi gửi truyền đơn sang Triều Tiên, nhưng các nhà hoạt động không dừng lại. Luật này bị Tòa Hiến pháp hủy bỏ năm ngoái vì "hạn chế quá mức quyền tự do ngôn luận".
Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc chỉ trích chính phủ đã không hành động nhiều hơn để ngăn chặn việc các nhà hoạt động thả bóng bay chứa truyền đơn. Phát ngôn viên của đảng cáo buộc các nhà hoạt động đang lợi dụng "'quyền tự do ngôn luận để gây nguy hiểm cho người dân".
Đảng Dân chủ cũng cho rằng việc nối loại hoạt động phát loa tuyên truyền là không khôn ngoan và có nguy cơ khiến căng thẳng "leo thang thành chiến tranh khu vực".
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)