Bộ Tư pháp Hàn Quốc lên kế hoạch trình dự thảo cuối cùng lên Quốc hội vào cuối tháng 8 năm nay. Dự luật mới này sẽ thay thế Điều 915 của Luật Dân sự, được thông qua từ năm 1960.
Trước đó, các nhà phê bình và giới chức Hàn Quốc chỉ ra rằng Điều 915 bị lạm dụng và được dùng để biện minh cho hành vi bạo lực của cha mẹ. Điều khoản này cũng mâu thuẫn với Luật phúc lợi trẻ em, cấm người giám hộ hợp pháp "gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần" cho con cái họ.
"Các vụ làm dụng trẻ em trong những năm gần đây nhấn mạnh sự cần thiết của việc cấm trừng phạt thân thể. Chúng tôi sẽ thu thập ý kiến chuyên gia về quyền trẻ em và thanh thiếu niên vào 12/6 trước khi soạn thảo đề xuất", đại diện Bộ Tư pháp thông tin.
Theo một cuộc khảo sát của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn quốc năm ngoái, hơn 60% người được hỏi cho biết hình phạt về thể xác đối với trẻ em là "không cần thiết", 39% cho rằng "hơi cần thiết". Trong khi đó, chỉ 3,6% người được hỏi thực sự dùng những hình phạt này.
Hàn Quốc không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng và ban hành luật cấm cha mẹ bạo hành con. Tháng 11/2018, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật cấm bố mẹ đánh đập con với 51 phiếu thuận, 3 phiếu trắng và chỉ một phiếu chống.
Trước đó, Thụy Điển, Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng ban hành lệnh cấm tương tự. Ngoài các quốc gia châu Âu, tại Mỹ, ngay từ năm 2013, tát trẻ em cũng bị coi là phạm pháp, bị khởi tố và có thể vào tù.
Thanh Hằng (Theo Korea Times)