Ngày 5/11, Cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Hàn Quốc cho biết Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPC) đã quyết định áp dụng hình phạt đối với Meta trong cuộc họp toàn thể hôm thứ hai.
Meta Platforms Inc. bị cáo buộc đã thu thập dữ liệu như quan điểm tôn giáo và chính trị, tình trạng hôn nhân và khuynh hướng tình dục của khoảng 980.000 người dùng Facebook địa phương.
Meta cũng bị cáo buộc chuyển thông tin cho khoảng 4.000 nhà quảng cáo, những người đã sử dụng dữ liệu để tạo quảng cáo tùy chỉnh dựa trên sở thích cá nhân của người dùng.
Ủy ban cho biết gã khổng lồ công nghệ đã không nêu rõ dữ liệu cá nhân được sử dụng ở đâu trong chính sách dữ liệu của mình và không tìm kiếm sự đồng ý của người dùng hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ bổ sung.
Nhà chức trách cho biết Meta cũng cho phép tin tặc thay đổi mật khẩu của các tài khoản bị vô hiệu hóa bằng cách chấp nhận ID giả của họ, dẫn đến thông tin cá nhân của nhiều người dùng Hàn Quốc bị rò rỉ.
Đạo luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân cấm sử dụng thông tin như hệ tư tưởng, niềm tin, quan điểm chính trị và đời sống tình dục của một người, trừ khi chủ thể đồng ý cho sử dụng.
Meta đã được lệnh phải cung cấp căn cứ pháp lý cho việc sử dụng thông tin nhạy cảm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dữ liệu và phản hồi trung thực các yêu cầu của người dùng về việc truy cập thông tin cá nhân.
Meta hiện chưa lên tiếng về hình phạt của Hàn Quốc song trong nhiều vụ việc tương tự, công ty luôn phản đối các cáo buộc. Tháng 5/2023, Meta cũng bị phạt 1,3 tỷ USD vì vi phạm Quy định bảo mật dữ liệu của EU, cáo buộc họ gửi dữ liệu người dùng châu Âu sang các công ty Mỹ. Song Meta phản ứng rằng mình đang bị chỉ trích một cách bất công vì các hoạt động chia sẻ dữ liệu đang được hàng nghìn công ty khác sử dụng.
Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, và Jennifer G. Newstead, Giám đốc pháp lý của công ty, cho biết trong một tuyên bố sau phán quyết của EU: "Nếu không truyền dữ liệu qua biên giới, internet có nguy cơ bị chia cắt thành các silo quốc gia và khu vực, hạn chế nền kinh tế toàn cầu và khiến công dân ở các quốc gia khác nhau không thể truy cập vào nhiều dịch vụ".
Meta ngay sau đó đã đệ đơn khiếu nại lên các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Châu Âu vào tháng 11/2023, cho rằng áp mức phạt cao kỷ lục thế này là ví dụ điển hình của "hoạt động thương mại không công bằng và hung hăng".
Trước đó, Facebook (tiền thân của Meta) cũng bị Hàn Quốc phạt 6,1 triệu USD do từ tháng 5/2012 đến tháng 6/2018, Facebook đã cung cấp thông tin cá nhân của ít nhất 3,3 triệu người dùng nước này cho các công ty khác mà không được sự đồng ý.
Hải Thư (Theo Yonhap, NYT)