Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min ngày 26/2 cho biết việc hơn 10.000 bác sĩ nội trú xin nghỉ việc đồng loạt đang khiến các bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul bị giảm 50% công suất phẫu thuật và gây phiền toái cho bệnh nhân.
"Trước tình hình nghiêm trọng hiện nay, tôi tha thiết kêu gọi lần cuối rằng chính phủ sẽ không truy cứu trách nhiệm về hành động của các bác sĩ nội trú nếu họ chịu quay lại làm việc trước ngày 29/2", ông Lee nói.
Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc nhấn mạnh hành động nghỉ việc tập thể của các bác sĩ nội trú đang làm trầm trọng hơn tình trạng hỗn loạn trong các bệnh viện, đe dọa tính mạng và sức khỏe người bệnh.
"Tôi mong các bạn hãy nhớ rằng tiếng nói của các bạn sẽ có trọng lượng và được lắng nghe hơn khi các bạn vẫn bên cạnh người bệnh. Nỗi sợ và lo lắng đang tràn ngập những bệnh viện mà các bạn bỏ đi. Tôi hy vọng các bạn sẽ quay lại nơi làm việc, nơi các bạn từng túc trực ngày đêm, và tham gia đối thoại về những điều kiện làm việc tốt hơn", ông Lee nói.
Làn sóng đình công tập thể của các bác sĩ nội trú Hàn Quốc đã kéo dài sang ngày thứ 7. Hơn 10.000 bác sĩ đã nộp đơn xin nghỉ việc, trong đó hơn 9.000 người đã rời khỏi nơi làm việc, để phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh 2.000 sinh viên vào các trường y từ năm 2025.
Chính phủ Hàn Quốc cho hay việc tăng sinh viên trường y là cần thiết bởi nước này có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong các nước phát triển. Việc này sẽ cải thiện dịch vụ y tế tại vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng.
Trong khi đó, các bác sĩ nội trú cho rằng chính phủ cần giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của họ trước khi tăng số lượng nhân viên y tế. Bác sĩ nội trú Hàn Quốc thường làm việc 80-100 giờ trong 5 ngày mỗi tuần, tương đương 20 tiếng mỗi ngày, khiến nhiều người cảm thấy bị quá tải. Họ cho rằng tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng thêm số sinh viên và bác sĩ mới ra trường.
Jeong Hyung-jun, giám đốc chính sách của Nhóm Nhà hoạt động Y tế Hàn Quốc, cho hay các bác sĩ trẻ cũng lo ngại rằng việc tăng số lượng sinh viên sẽ ảnh hưởng tới thu nhập và địa vị xã hội của họ, khiến tình trạng cạnh tranh trong ngành y trở nên khốc liệt hơn.
Ngọc Ánh (Theo Yonhap/Reuters/AFP)