![]() |
Đến khi cuộc thẩm vấn kết thúc, Bogwang ký vào biên bản thú nhận ông là điệp viên của CHDCND Triều Tiên. Ông được trả tự do năm 1998 sau 16 năm ngồi tù, và 2 năm sau đó cắt tóc đi tu. Trước khi lìa đời, vị hòa thượng luôn tự dằn vặt trong thế lưỡng nan. Giáo lý nhà Phật dạy phải quên đi ân oán của cuộc đời trần tục, nhưng ông thì không thể nào rũ bỏ những cơn ác mộng về căn phòng thẩm vấn tại Bộ Tư lệnh an ninh quân đội Hàn Quốc, nơi ông đã bị giam giữ và tra tấn trong 43 ngày. Thời gian vừa qua, Bogwang trở thành một trong số những người Hàn Quốc đấu tranh để được minh oan khỏi tội danh lật đổ chính trị mà họ bị kết án dưới chế độ độc tài quân sự (những năm 1960-1980). Trong khuôn khổ của Ủy ban Sự thật và Hòa giải do Tổng thống Roh Moo Hyun lập ra cuối năm 2005 để xem xét lại những vụ vi phạm nhân quyền trước đây, các nhà điều tra đang mở lại các bản án đã tuyên và trong một số trường hợp đã lật ngược lại phán quyết. Ngày 23/1 vừa qua, một tòa án Hàn Quốc đã tuyên bố vô tội 8 người bị treo cổ năm 1975 vì tội tổ chức ra "đảng cách mạng nhân dân" nhằm lật đổ chính phủ. Tòa án phát hiện ra rằng các bị cáo đã bị hành quyết trên cơ sở những lời thú tội bị ép cung vì tra tấn. Song không phải ai sống sót qua các đòn tra tấn và tù đày cũng được trả lại công lý. Như trường hợp của hòa thượng Bogwang. Ngày 25/2, ông đã qua đời tại một thiền viện. Cái chết ở tuổi 57 của Bogwang nhắc nhở dư luận về sự chậm chạp đau đớn của tiến trình hòa giải, và cho thấy quá khứ vẫn luôn là mảnh đất chông gai trong đất nước còn chưa hết chia rẽ này. Ngày 26/9/1971, Bogwang (tên thật là Lee Sang Chul) khi đó là một ngư dân, đang ở trên con tàu đánh cá trôi dạt vào vùng lãnh hải CHDCND Triều Tiên trong một cơn bão, và bị các tàu tuần tra CHDCND Triều Tiên bắt giữ. Sau 11 tháng, 21 thuyền viên được trở về nhà, nhân lúc hai miền đang trong giai đoạn hòa hoãn. Trước lúc Bogwang lên đường, Cơ quan an ninh CHDCND Triều Tiên cho anh gặp lại một người chú đã mất tích hồi nội chiến 1950-1953, và ép Bogwang làm tình báo cho CHDCND Triều Tiên. Trở lại miền Nam, Bogwang phải trải qua 90 ngày thẩm vấn, và theo phía cảnh sát, đã thú nhận là được miền Bắc huấn luyện làm tình báo. Anh bị đưa ra tòa và kết án 1 năm tù (án treo) vì tội thâm nhập lãnh hải miền Bắc. Bogwang tưởng rằng mình đã thoát nạn. Nhưng 12 năm sau, vào ngày 15/11/1983, các nhân viên Bộ Tư lệnh an ninh quân đội - một tổ chức tình báo hùng mạnh trung thành với nhà độc tài Chun Doo Hwan - xuất hiện ở xưởng đóng tàu nơi anh làm việc, và tống anh lên chiếc xe ôtô màu đen. Hoạt động tình báo của cả hai miền Nam-Bắc Triều Tiên quả thực có giảm bớt trong giai đoạn hòa hoãn giữa những năm 1970, nhưng việc trấn áp an ninh thì không giảm. Ở miền Nam, các đơn vị đặc biệt của cảnh sát, quân đội và cơ quan tình báo trung ương theo dõi chặt chẽ những người Triều Tiên sống ở Nhật Bản, thân nhân của người miền Nam lưu lạc ra miền Bắc thời chiến tranh, và cả những người từ miền Bắc trở về như Bogwang. Chính phủ coi họ như mối hiểm họa tiềm tàng, và theo điều tra của Ủy ban Sự thật và Hòa giải - họ là vật hy sinh mỗi khi xảy ra một vụ gián điệp gây khó khăn cho chính phủ. Bogwang kể: "Họ bắt tôi vẽ bản đồ xưởng đóng tàu, khi tôi làm theo, họ nói tôi lấy thông tin nhằm mục đích gián điệp. Họ hỏi tôi đồn cảnh sát ở đâu và có bao nhiêu cảnh sát ở đó. Tôi trả lời, họ liền nói tôi thu thập thông tin cho miền Bắc". Các nhân viên thẩm vấn không cho Bogwang ngủ nhiều ngày rồi đưa anh vào ngồi trước một bóng đèn cực mạnh. Họ trói anh vào một cái cột "như lợn quay", rồi bịt khăn ướt lên mũi và mắt, đổ nước pha mù tạt và hạt tiêu vào mồm. "Những phương pháp tra tấn như vậy rất phổ biến", Kim Byung Jin, 51 tuổi, một thời làm phiên dịch cho Bộ Tư lệnh an ninh quân đội, xác nhận. "Nó khiến nạn nhân phải nói bất cứ điều gì người ta muốn". Bản thân ông Kim, năm 1983 là sinh viên Đại học Yonssei ở Seoul và hiện sống ở Nhật Bản, từng bị tình nghi là cộng sản, bị tra tấn và giam cầm trong 2 năm. Kim kể lại: "Tôi đã nhận mọi lời buộc tội vô nghĩa sau khi họ dọa đưa vợ tôi vào nhà thổ và đứa con trai 100 ngày tuổi của chúng tôi vào cô nhi viện". Đó không phải là những lời dọa dẫm. Trong những ngày thẩm vấn, cơ quan an ninh đưa đứa con gái 6 tuổi và đứa con trai 4 tuổi đến nhà tù để lung lạc Bogwang: "Con gái tôi nói: ba ơi về nhà đi, và hôn tôi. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy hai đứa". Đến tháng 11 này, Ủy ban Sự thật và Hòa giải sẽ bắt đầu công bố các báo cáo khuyến nghị các tòa án xét xử lại nhiều vụ án gián điệp có phán quyết dựa trên bằng chứng có được từ tra tấn, và khuyến nghị nhà nước chính thức xin lỗi những người bị kết án oan. Nhưng với kỳ bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng 12, các cuộc điều tra khiến một số người trong giới chính trị e ngại. Các đảng phái cánh hữu kêu ca rằng đây là đòn "tranh thủ phiếu" của phe tả. Park Geun Hye, con gái nhà độc tài khét tiếng Park Chung Hee - người cai trị đất nước bằng bàn tay thép trong 18 năm cho đến khi bị ám sát năm 1979 - cho rằng "đây là cuộc phản công chính trị nhằm vào tôi". Bà Park Geun Hye là ứng cử viên của phe đối lập cánh hữu trong cuộc bầu cử tháng 12 này. (Theo Thanh Niên / IHT) |