Đây là Đơn vị Giám sát tội phạm tình dục Kỹ thuật số, thuộc quân đội Hàn Quốc. Họ đang cố gắng phát hiện và trấn áp những kẻ chuyên quay lén bằng camera giấu kín (spycam) và quay video khiêu dâm (spycam porn) trong nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng... rồi đăng lên mạng.
Một phụ nữ đang kiểm tra camera quay lén trong nhà vệ sinh. Ảnh: AFP. |
Đơn vị Giám sát tội phạm tình dục Kỹ thuật số hiện có 16 thành viên, đã được Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) thành lập cách đây ít lâu, với mục tiêu săn lùng và xóa video tình dục ghi lại một cách lén lút mà chưa nhận sự đồng ý của người bị quay. Lực lượng này cũng nhắm đến các video có mục đích trả thù, tống tiền, video cảnh riêng tư được quay lại nhưng chủ nhân của nó không muốn bị phát tán. Trong tháng 10, đội ngũ này luôn hoạt động 24/24h.
Tại Hàn Quốc, hành vi spycam porn được gọi là molka. Những video đăng trên web "đen" chủ yếu là do đàn ông quay lại, nhằm vào phụ nữ, nữ sinh hay thậm chí là cả trẻ vị thành niên.
Tháng 3 vừa qua, ngôi sao K-pop Jung Joon-young đã bị bắt với cáo buộc quay lại và phát tán video khiêu dâm bất hợp pháp mà không có sự đồng ý của bạn gái cũ. Vào tuần tới, tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Các công tố viên đã đề nghị anh này 7 năm tù giam cho hành vi sai trái của mình.
Thực tế, việc kẻ xấu đặt camera quay lén tại nơi công cộng và trường học ở Hàn Quốc đang ở mức báo động, đến nỗi nhiều phụ nữ nước này phải viết thư cầu cứu chính phủ và yêu cầu họ phải hành động.
Ngồi tại bàn làm việc, Hyeon-cheol, một nhân viên của KCSC - người đã vượt qua tới 146 ứng viên khác để có vị trí hiện tại - đăm chiêu nhìn vào video gợi dục hiển thị trên màn hình. "Những ngày đầu, tôi thật khó để giữ điềm tĩnh trước các cảnh quay", nhân viên 27 tuổi này chia sẻ. "Tôi đã nhìn thấy một loạt hình ảnh khiêu khích, thứ tôi chưa từng thấy trước đây".
Lee Yong-dae, trưởng nhóm giám sát cho biết, anh thực sự cảm thấy sốc khi tình trạng molka gia tăng. "Khi ra ngoài, tôi không dám nhìn những phụ nữ quanh mình, bởi khi về văn phòng, hình ảnh khác của họ lại hiện ra trước mắt. Tôi phải cúi đầu xuống để đi", Yong-dae nói.
Theo Yong-dae, để tìm kiếm manh mối, nhóm phải dò bằng các hashtag bằng tiếng Hàn trên cả nền tảng trực tuyến trong nước lẫn quốc tế, bao gồm Twitter và YouTube, liên quan đến nội dung tình dục. Tuy nhiên, rất nhiều lần nhóm gặp khó do người đăng đưa vào các ký tự đặc biệt, thường là dấu hoa thị (*).
Với video trong nước, nhóm có quyền can thiệp hoặc xóa chúng. Nhưng trong trường hợp video đặt tại máy chủ nước ngoài - vốn vượt quá thẩm quyền - nhóm sẽ yêu cầu chặn truy cập liên kết, cũng như đề xuất các nhà khai thác nội dung nước ngoài loại bỏ.
Min Kyeong-jong, Tổng thư ký KCSC cho biết chỉ trong tháng 10, mỗi ngày họ phải xóa tới 82 video liên quan đến molka. "Nhiệm vụ của chúng tôi là phải ngăn chặn sự lây lan của video độc hại trong 24 giờ đầu tiên", Kyeong-jong chia sẻ. "Với các nạn nhân, mỗi giây clip của họ còn trên mạng là mỗi giây đau lòng".
Yong-dae tiết lộ, không ít nạn nhân bị đăng clip "nhạy cảm" cảm thấy hoảng loạn và liên lạc với lực lượng đặc nhiệm qua đường dây nóng để được giúp đỡ. Gần đây, ông cho biết nhóm đã nhận được yêu cầu của một người, cho biết bạn trai cô đã gửi ảnh và video sex của cô lên 100 website khác nhau.
Theo tài liệu của KCSC, một video spycam porn đăng lần đầu vào tháng 5 đã lan truyền tới 2.700 website. "Trong trường hợp này, việc gỡ bỏ là điều cần làm, nhưng việc xóa hoàn toàn gần như là không thể", Yong-dae thừa nhận. "Mọi thứ có thể vượt tầm kiểm soát".
Dữ liệu cảnh sát Hàn Quốc cho thấy, năm ngoái đã có tới 5.500 người bị bắt vì những tội danh liên quan đến spycam, tăng 22% so với năm 2016. Trong số này, có tới 97% là đàn ông.
Tại Hàn Quốc, hành động quay phim nhưng chưa nhận được sự đồng ý của người bị quay có thể phải chịu phạt tù tới 5 năm. Tuy vậy, chỉ một số chịu hình phạt này, còn lại chỉ hưởng án treo hoặc phạt tiền. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in năm ngoái thừa nhận spycam porn là "vấn nạn" đồng thời kêu gọi đưa ra các hình phạt cứng rắn hơn.
Bảo Lâm (theo SCMP)