Nhóm chuyên gia đứng đầu là V. Narry Kim và Chang Hyeshi ở Trung tâm Nghiên cứu ARN thuộc Viện Khoa học Cơ bản Seoul hợp tác với phân nhánh của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) để tạo ra bản đồ độ phân giải cao hệ gene ARN của nCoV, nơi virus lưu giữ thông tin di truyền. Bản đồ này sẽ giúp phát triển vaccine và những phương pháp xét nghiệm chính xác hơn.
Nhóm nghiên cứu công bố hôm 10/4 trên tạp chí Cell giúp làm sáng tỏ hệ gene của nCoV. Các virus không tự sinh sản mà dựa vào chỉ dẫn di truyền để nhân lên khi tìm thấy tế bào sống phù hợp. Hệ gene của nCoV chứa những chỉ dẫn dưới dạng phân tử axit ribonucleic (ARN) rất dài, bao gồm khoảng 30.000 cặp cơ sở (base). Khi virus xâm nhập tế bào chủ, chúng sao chép ARN với số lượng lớn, tạo ra nhiều ARN nhỏ hơn gọi là ARN gene phụ. Một số ARN gene phụ được sử dụng để tạo ra protein của virus phụ trách nhiều nhiệm vụ, bao gồm ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc sử dụng hai kỹ thuật giải trình tự bổ sung có thể xác nhận ARN gene phụ nào sẽ trở thành protein của virus. Họ cũng tìm thấy hàng chục ARN gene phục chưa được biết tới trước đây. "Ngoài tìm hiểu chi tiết cấu trúc nCoV, chúng tôi còn phát hiện vô số ARN mới và nhiều biến đổi hóa học trên ARN của virus. Dù vẫn cần tìm hiểu kỹ hơn, những phân tử này có thể góp phần vào quá trình tiến hóa tương đối nhanh của nCoV. Chúng tôi chưa rõ các biến đổi có vai trò gì, nhưng có khả năng chúng giúp virus tránh sự tấn công từ vật chủ", Kim cho biết.
Việc hiểu rõ tất cả protein mà nCoV tạo ra khi tiến vào tế bào có tầm quan trọng lớn, bởi mỗi protein là một mục tiêu tiềm năng đối với người thiết kế thuốc. Theo Viện Khoa học Cơ bản, nhận dạng những ARN nhỏ sẽ giúp ngăn nCoV lẩn trốn hệ miễn dịch của con người. Hiện nay, Kim và cộng sự đang tập trung khám phá các chức năng của ARN gene phụ mới phát hiện để xác định liệu biến đổi đi kèm với chúng đóng vai trò như thế nào trong quá trình nhân lên của virus và phản ứng của hệ miễn dịch.
Kim là một trong những nhà nghiên cứu uy tín ở Hàn Quốc. Theo tạp chí Nature, năm 2009, ở tuổi 39, cô trở thành một trong những người trẻ nhất đoạt giải thưởng Ho-Am danh giá không kém giải Nobel.
An Khang (Theo SCMP)