"Chính phủ lấy làm tiếc sâu sắc về hành động đơn phương phá hủy Trung tâm đoàn tụ gia đình Núi Kumgang của Triều Tiên, vốn được thành lập thông qua thỏa thuận liên Triều. Chúng tôi kêu gọi dừng ngay việc phá hủy", Koo Byung-sam, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Bộ này cho biết thêm rằng họ sẽ xem xét các biện pháp pháp lý đối với "hành động vi phạm quyền sở hữu" này và phản ứng chung cùng cộng đồng quốc tế.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Seoul phát hiện ra rằng chính quyền Triều Tiên "gần đây bắt đầu phá dỡ toàn diện, bao gồm cả việc dỡ bỏ các bức tường của tòa nhà", nhưng không nêu mốc thời gian cụ thể.
Khu phức hợp nghỉ dưỡng Núi Kumgang từng là biểu tượng nổi bật của hợp tác kinh tế liên Triều, được công ty Hyundai Asan của Hàn Quốc xây dựng trên một trong những ngọn núi đẹp nhất Triều Tiên. Trung tâm đoàn tụ gia đình ly tán được hoàn thiện vào tháng 7/2008 với một tầng hầm và 12 tầng trên mặt đất. Tất cả cơ sở khác trong khu nghỉ dưỡng cũng đã bị Triều Tiên phá dỡ.
![Cơ sở đoàn tụ các gia đình ly tán tại khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang. Ảnh: Bộ Thống nhất Hàn Quốc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/0-jpeg-1739421097-2788-1739422424.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PiVrk1hL_zdFpH-HZLNdIg)
Cơ sở đoàn tụ các gia đình ly tán tại khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang trước khi bị phá dỡ. Ảnh: Bộ Thống nhất Hàn Quốc
Bình Nhưỡng hiện chưa lên tiếng về thông tin từ phía Seoul.
Hơn 10 triệu người ở cả hai nước có thân nhân sống bên kia biên giới, bị chia cắt trong hoặc sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức cuộc đoàn tụ đầu tiên vào năm 1985. Đến năm 2000, những cuộc đoàn tụ trở thành sự kiện thường xuyên sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu diễn ra trong năm đó.
Các gia đình đoàn tụ trong nước mắt và bịn rịn chia tay sau những ngày gặp gỡ ngắn ngủi. Cuộc đoàn tụ gần nhất ở Núi Kumgang diễn ra hồi năm 2018.
![North Korean Cho Dok Yong (2nd L), 88, meets with his South Korean brother Cho Sang-yong (C), 80, during the first meetings of a three-day family reunion event at the Norths Mount Kumgang resort on August 24, 2018](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/afp-20180824-18k522-v1-highres-8946-1334-1739422424.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9bpAH_eAolOJ8NjCWukq7A)
Ông Cho Dok-yong (thứ hai từ trái sang), 88 tuổi, công dân Triều Tiên, bật khóc khi gặp em trai Cho Sang-yong (giữa), 80 tuổi, sống ở Hàn Quốc, trong cuộc đoàn tụ ba ngày ở khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang tháng 8/2018. Ảnh: AFP
Kể từ năm 1988, khoảng 130.000 người Hàn Quốc đã đăng ký vào danh sách "gia đình ly tán". Theo số liệu chính thức, tính đến năm 2025, khoảng 36.000 người còn sống và 75% trong số này không biết người thân của mình ở Triều Tiên còn sống hay không.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang từ cuối tháng 5/2024, khi Triều Tiên thả bóng bay chứa rác thải sang Hàn Quốc để phản ứng vụ các nhà hoạt động Hàn Quốc dùng bóng bay rải truyền đơn, đôi khi là tiền mặt, gạo hoặc ổ đĩa USB chứa các bộ phim truyền hình sang biên giới. Seoul đáp trả bằng cách nối lại loa tuyên truyền ở biên giới.
Đến tháng 10, Triều Tiên kích nổ mìn, phá hủy nhiều đoạn thuộc tuyến đường Gyeongui và Donghae nối liền với Hàn Quốc. Các tuyến đường là thành tựu của thời kỳ quan hệ hai bên giảm căng thẳng, trong đó có hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Moon Jae-in.
Ông Kim Jong-un cho biết nước này phá đường nhằm chấm dứt "mối quan hệ độc hại với Seoul kéo dài từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, cùng ý tưởng vô lý về tái thống nhất". Ông cũng mô tả Hàn Quốc là "quốc gia xa lạ, thù địch".
![North Koreans (on bus) hold the hands of their South Korean relatives as they bid farewell at the end of a three-day family reunion event at North Koreas Mount Kumgang resort on August 26, 2018.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/afp-20180826-18m0p2-v1-highres-7778-5329-1739422424.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EI5YYcnXsszJOqEGcUkt6Q)
Những người Triều Tiên ngồi trên xe, nắm tay người thân ở Hàn Quốc khi họ tạm biệt nhau sau cuộc đoàn tụ ở Núi Kumgang tháng 8/2018. Ảnh: AFP
Năm 2024, Triều Tiên liên tục thực hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo. Vào năm trước đó, Bình Nhưỡng hủy bỏ thỏa thuận quân sự được ký kết hồi năm 2018 nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ giữa hai quốc gia về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh. Hàn Quốc sau đó thực hiện bước đi tương tự.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP, Yonhap)