"Tôi đã đưa ra yêu cầu rõ ràng (không loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách trắng) và tuyên bố nếu quyết định đó được đưa ra, sẽ có những chia rẽ nghiêm trọng về quan hệ song phương. Nhật Bản thực hiện biện pháp kiểm soát xuất khẩu với lý do an ninh. Vì vậy, chúng ta không thể giúp gì ngoài việc xem lại các khuôn khổ hợp tác an ninh giữa hai nước", bà Kang nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm 45 phút với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra hôm nay tại Bangkok, Thái Lan.
Hàn Quốc và Nhật Bản ký Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự song phương vào tháng 11/2016. Thỏa thuận được tự động gia hạn trừ khi một trong hai bên phản đối việc tiếp tục.
Quan hệ Nhật - Hàn đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa vào năm 1965. Nhật Bản ngày 4/7 hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao được sử dụng để sản xuất con chip và màn hình cho điện thoại thông minh của các hãng Hàn Quốc. Tokyo cũng xem xét xóa tên Seoul khỏi "danh sách trắng" gồm 27 quốc gia được miễn trừ tối đa hạn chế thương mại với cáo buộc Seoul có hệ thống kiểm soát xuất khẩu thiếu tin cậy.
Seoul cho rằng đây là hành động trả đũa của Tokyo về phán quyết của tòa án Hàn Quốc tháng 11/2018, yêu cầu các công ty Nhật Bản từng sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910 - 1945 phải bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định vấn đề đã được giải quyết khi hai nước bình thường hoá quan hệ và Tokyo đã viện trợ kinh tế cho Seoul 500 triệu USD.
"Nếu các quốc gia có vấn đề, họ nên tìm kiếm giải pháp thông qua tham vấn và (tôi) nói rõ rằng cần phải có thời gian và không gian để thực hiện những nỗ lực như vậy", bà Kang nói thêm.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhận định Nhật Bản "dường như không có bất kỳ thay đổi lớn nào" đối với vấn đề thương mại đang diễn ra, rất có khả năng sẽ loại bỏ Seoul khỏi "danh sách trắng". "Tôi có thể nói rằng hai bên vẫn còn khoảng cách đáng kể", quan chức giấu tên cho biết.
Ngọc Ánh (Theo Yonhap)