"Triều Tiên không là gì khi so sánh với các tàu đánh cá Trung Quốc", Choi Won-jin, người đánh bắt tại vùng biển nhiều cua xung quanh hòn đảo quê nhà Daecheong suốt nhiều thập niên qua, nói.
Daecheong là một trong 5 đảo "tiền tiêu" có vị trí gần biên giới tranh chấp với Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa hòn đảo được hàng nghìn binh sĩ Hàn Quốc canh gác và đầy rẫy các đơn vị pháo cũng như hầm trú bom.
Tuy nhiên, toàn bộ số vũ khí ấy không thể chống lại cái Choi xem là mối đe dọa lớn nhất tới kế sinh nhai của cộng đồng ngư dân trên đảo Daecheong. Đó là "sự xâm lăng" của tàu cá Trung Quốc.
Theo ước tính chính thức, hơn 1.000 tàu cá Trung Quốc đã tiếp cận trái phép vùng biển của Hàn Quốc quanh đảo Daecheong trong năm ngoái, trong khi nước này chỉ có 4 tàu tuần duyên để răn đe.
Số lượng tàu cá Trung Quốc gia tăng qua mỗi năm do giới nhà giàu nước này ngày càng tăng và nhu cầu ăn hải sản thúc đẩy ngư dân mạo hiểm vượt ra ngoài khu vực đánh cá của Bắc Kinh.
Các tàu gỗ Trung Quốc lén vào vùng biển Hàn Quốc từng được bỏ qua tại khu vực có ưu tiên hàng đầu là cảnh giác trước sự xâm nhập từ Triều Tiên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các tàu nhỏ lại mở đường cho tàu cá vỏ thép lớn hơn.
Loại tàu vỏ thép này thả các tấm lưới rộng, nặng, xuống đáy biển rồi kéo đi, vơ vét "mọi thứ trên đường chúng đi qua", Choi nói. "Khi họ rời đi thì chúng tôi không còn gì cả. Tất cả đều bị lấy mất, kể cả những lồng đánh cá của chúng tôi".
Khoảng 2.200 tàu Trung Quốc đã bị Hàn Quốc chặn lại và phạt tiền vì đánh bắt cá trái phép trong 4 năm qua. Số ngư dân bị bắt tăng từ hai người trong năm 2010 lên 66 người trong năm 2013. Chỉ có 5 người bị bắt trong năm 2014 nhưng quan chức lực lượng tuần duyên nói con số này là do toàn bộ nguồn lực được điều động cho chiến dịch cứu hộ và trục vớt kéo dài sau thảm họa phà Sewol xảy ra tháng 4 cùng năm.
Các thuyền trưởng Trung Quốc có tổ chức tốt, Lee Kyung-hak, chi huy lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói. Họ móc nối các tàu lại "như một thành phố nổi cỡ lớn" trong trường hợp xảy ra đối đầu.
Thuyền viên thường cầm ống sắt và dao làm vũ khí và từng ném những hộp chứa khí gas đang cháy về phía lực lượng đang tìm cách lên tàu. "Chúng tôi đang làm hết sức để đuổi họ ra khỏi lãnh thổ của chúng tôi... nhưng số lượng của họ đôi khi áp đảo", Lee nói.
Một nghiên cứu gần đây ước tính Trung Quốc lấy đi trái phép khoảng 675.000 tấn thủy sản tại vùng biển Hàn Quốc trong năm 2012, giá trị khoảng 1.300 tỷ won (1,2 tỷ USD).
"Tình hình chỉ tệ thêm từ thời điểm trên", Lee Kwang-nam, người đứng đầu Viện Chính sách Thủy sản ở Seoul, tác giả của cuộc nghiên cứu trong năm 2014, nói.
Theo Lee, khu vực tuần duyên Hàn Quốc quản lý chỉ có thể tạm giữ hoặc bắt chưa đầy 1% những người Trung Quốc đánh bắt trộm. "Các nguồn lợi thủy sản của chúng tôi được bảo vệ tốt nhờ các quy định nghiêm ngặt... nhưng có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra", ông Lee nói.
Hàn Quốc quyết mạnh tay
Do áp lực trong nước về trấn áp mạnh tay hơn với tàu cá Trung Quốc ngày càng tăng, giới chức Hàn Quốc đã phát đi tín hiệu sẽ cứng rắn hơn trong mùa đánh bắt cá năm nay vào tháng 4.
"Chúng ta thua họ về quân số và bị áp đảo trong năm ngoái... nhưng giờ chúng ta đã có đủ nguồn lực", Yun Byoung-doo, người đứng đầu lực lượng tuần duyên Incheon, đơn vị bảo vệ các đảo biên giới trên Hoàng Hải, nói. Tuần duyên có thể sử dụng vũ khí, gồm súng ngắn và pháo, "nếu thực sự cần thiết".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trực tiếp bình luận về lập trường cứng rắn hơn của Hàn Quốc nhưng kêu gọi Seoul "thực thi pháp luật theo cách hợp lý, đảm bảo an toàn, quyền lợi hợp pháp và lợi ích" của ngư dân nước này.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường giáo dục và hướng dẫn cho ngư dân", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một thông báo.
Hai ngư dân Trung Quốc thiệt mạng trong đụng độ với tuần duyên Hàn Quốc kể từ năm 2012, khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối. Hàn Quốc nhấn mạnh vụ việc là do thuyền viên phía Trung Quốc, đồng thời nêu lại vụ một ngư dân Trung Quốc đâm chết một tuần duyên Hàn Quốc năm 2011.
Các tàu đánh cá Hàn Quốc cũng từng đánh bắt trái phép tại vùng biển xa như ngoài khơi Tây Phi. Tuy nhiên, Seoul đã có động thái xóa bỏ hoạt động này và được đưa ra khỏi danh sách các nước đánh bắt trái phép, không báo cáo và không theo quy định của Mỹ hồi tháng 2 và của Liên minh châu Âu vào tháng trước.
Trong khi đó, ngư dân trên đảo Daecheong hy vọng chính phủ có thể đạt được hiệu quả tương đương trong hạn chế các hoạt động trái phép của những đội tàu cá Trung Quốc.
"Đây là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất tôi từng thấy trên hòn đảo này", ông Kim Neung-ho, thuộc gia đình ba đời kiếm sống tại vùng biển ngoài khơi Daecheong, nói. "Hiện chúng tôi không trông đợi tất cả bọn họ sẽ rời đi bởi điều đó là không thể. Chúng tôi chỉ mong số lượng của họ ít đi. Ít đi một chút".
Như Tâm (theo AFP)