Theo dữ liệu của Cơ quan Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHIS) công bố ngày 14/2, con số trên tăng 28% so với 5 năm trước.
Cũng theo NHIS, chi phí điều trị các bệnh tuổi tác vào năm 2019 là 5,6 nghìn tỷ won. Đến năm 2023, con số đã tăng 19,3%. Đặc biệt, chỉ trong nửa đầu năm 2024, chi phí này đạt 2,9 nghìn tỷ won, đưa tổng chi lên khoảng 6 nghìn tỷ won vào cuối năm. Các bệnh chủ yếu là sa sút trí tuệ, tiểu đường, huyết áp, tim mạch...
Không chỉ chi phí, số lượng bệnh nhân được điều trị cũng tăng mạnh. Năm 2019, có khoảng 2 triệu người Hàn Quốc mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác. Đến năm 2023, con số này tăng lên 2,3 triệu – tương đương mức tăng 16%. Riêng nửa đầu năm 2024, số bệnh nhân đã chạm ngưỡng 1,8 triệu người.
![Người cao tuổi tại một viện dưỡng lão của Hàn Quốc. Ảnh:AFP](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/dcffb6f6-abca-477f-82da-59d99a-6098-1753-1739502051.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Tbra3f5GSaK7N1PfHnnCrw)
Người cao tuổi tại một viện dưỡng lão của Hàn Quốc. Ảnh:AFP
Nhóm cao tuổi tại Hàn Quốc tiếp tục tăng trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm. Số người từ 65 tuổi trở lên nhận trợ cấp bảo hiểm y tế cũng lần đầu vượt quá 10 triệu người vào tháng 11 năm ngoái. Tính đến tháng 6, 9,4 triệu người từ 65 tuổi trở lên đã tham gia bảo hiểm y tế công. Khi cộng thêm dân số thuộc diện nhận hỗ trợ thu nhập thấp và những người nhận trợ cấp y tế trong cùng độ tuổi, tổng số người vượt quá 10 triệu.
"Chúng ta cần chuẩn bị một hệ thống dịch vụ chăm sóc dài hạn toàn diện cho bệnh nhân cao tuổi, để họ có thể được chăm sóc an toàn, đầy đủ và đa dạng trong một xã hội siêu già", một đại biểu quốc hội cho hay.
Theo phân tích năm 2022 của Tổng cục Thống kê, Hàn Quốc sẽ là nước chi tiêu nhiều nhất thế giới cho chăm sóc người cao tuổi vào năm 2070.
Với tốc độ già hóa nhanh chóng, dân số từ 65 tuổi trở lên của nước này sẽ chiếm khoảng 46,4% tổng dân số trong 50 năm tới, tức là một người trong độ tuổi lao động phải hỗ trợ một người cao tuổi.
Thục Linh (Theo Korea Times)