Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc ngày 3/5 thông báo "đã ghi nhận nhiều dấu hiệu Triều Tiên đang chuẩn bị tấn công nhắm vào nhân viên đại sứ quán hoặc công dân Hàn Quốc ở một số nước, bao gồm tại Trung Quốc, Đông Nam Á và Trung Đông".
NIS cáo buộc Bình Nhưỡng đã triển khai "đặc vụ đến một số nước nhằm tăng cường giám sát các đại sứ quán Hàn Quốc", lo sợ những người này đang "truy tìm công dân Hàn Quốc và xem họ là mục tiêu".
Tuy nhiên, Seoul không công khai bằng chứng cụ thể về "đặc vụ" Triều Tiên đang nhắm mục tiêu vào công dân, quan chức và các phái bộ ngoại giao Hàn Quốc ở nước ngoài.
Hôm 2/5, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo đối với 5 phái bộ ngoại giao ở nước ngoài từ "Chú ý" sang "Báo động", mức cao thứ ba trong hệ thống cảnh báo nguy cơ khủng bố 4 cấp độ của Hàn Quốc, chỉ xếp sau mức "Nghiêm trọng".
![A police commando fires live ammunition at a terrorist inside a building during an integrated defense training of the civil, public, military, police, and fire departments. Photo unrelated to the article./Reporter Shin Hyun-jong, tháng 3, seoul](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/05/03/cho-ng-khu-ng-bo-seoul-jpeg-17-6124-4251-1714721316.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fg7y34xdI9VSGTXYlmhXbA)
Đặc nhiệm Hàn Quốc diễn tập chống khủng bố tại Seoul vào tháng 3. Ảnh: Chosun
Quyết định nâng cảnh báo được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra sau cuộc họp liên ngành với Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia, trực thuộc Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ.
Lần gần nhất Hàn Quốc nâng cảnh báo khủng bố đối với phái bộ tại nước ngoài lên cấp độ "Báo động" là vào năm 2010, sau khi Seoul cáo buộc Triều Tiên phóng ngư lôi đánh chìm tàu chiến Cheonan. Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này.
NIS cho hay mối lo ngại của họ xuất phát từ làn sóng quan chức ngoại giao Triều Tiên đào tẩu sau khi kẹt lại ở nước ngoài vài năm qua vì đại dịch Covid-19 và né tránh về nước theo quyết định triệu hồi, dù Bình Nhưỡng đã nới hạn chế chống dịch.
Tình báo Hàn Quốc tin rằng quan chức trong các đại sứ quán Triều Tiên trên thế giới đã gửi báo cáo về Bình Nhưỡng rằng "thế lực bên ngoài" đã thuyết phục các nhà ngoại giao đào tẩu, đồng thời đề xuất tiến hành biện pháp trả đũa nhắm vào nhà ngoại giao Hàn Quốc.
Triều Tiên chưa bình luận về tuyên bố của tình báo Hàn Quốc.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ghi nhận 196 trường hợp người Triều Tiên đào tẩu có điểm đến cuối cùng là Hàn Quốc trong năm 2023. Trong đó, 10 trường hợp là nhân sự cấp cao, như nhà ngoại giao và người thân, con số cao nhất kể từ năm 2017.
Thanh Danh (Theo Chosun, AFP)