Tác giả nói về việc sáng tác khi tham gia buổi họp báo ở Stockholm, Thụy Điển chiều 6/12. Nhà văn sẽ nhận giải thưởng ngày 10/12.
Bà được báo giới hỏi quan điểm trước việc 10.000 phụ huynh ký tên phản đối đưa tiểu thuyết vào trường học. Những người này đã chỉ ra chi tiết anh rể và em vợ ngoại tình, không phù hợp.
Han Kang trả lời: "Trong vài năm qua, hàng nghìn cuốn sách đã bị loại bỏ, bị hạn chế tiếp cận trong các thư viện trường học ở Hàn Quốc. Bằng cách đọc sách, bạn học cách tồn tại, hiểu người khác qua cách sống của những người khác nhau. Khi làm như vậy, bạn phát triển và trưởng thành... Ở một khía cạnh nào đó, nhiều người ở Hàn Quốc đọc sách với sự đồng cảm. Nhưng nó cũng bị hiểu lầm sâu sắc, và tôi nghĩ đó là số phận của cuốn sách này".
Năm 2019, tác phẩm từng được các học sinh trung học Tây Ban Nha bình chọn là Sách nước ngoài được yêu thích. Khi ấy, các giáo viên dạy văn cấp ba ở nước này lập danh sách giới thiệu, đọc cho học sinh nghe và cùng thảo luận nhiều tác phẩm. Sau khi được giải, Han Kang đến Santiago de Compostela cùng Seonmi Yoon, người đã dịch sách sang tiếng Tây Ban Nha. Bà hào hứng khi được nghe các em học sinh trình bày ý kiến về sách.
"Tôi nghĩ các học sinh cấp hai, cấp ba sẽ khó làm được điều đó ở Hàn Quốc, do khác biệt về văn hóa. Vì vậy, đôi khi gặp các em học sinh Hàn mang cuốn Người ăn chay đến để ký tên, tôi thường khuyên họ hãy đọc cuốn Bản chất của người", Han Kang nói.
Theo bà, tác phẩm đầy rẫy sự mỉa mai, ngay từ chính tiêu đề. Nhân vật Yeong Hye vốn ăn thịt nhưng đột nhiên nhận mình là người ăn chay. Tiểu thuyết gồm ba phần, nhưng nhân vật chính không phải người dẫn chuyện. Bà dùng thủ pháp tạo ra những người kể chuyện không đáng tin cậy, và họ cùng đi tìm sự thật về nhân vật chính. Yeong Hye là một người kỳ lạ, khi quyết định từ bỏ ăn thịt sau một giấc mơ chết chóc. Bà giải thích Người ăn chay đề cập đến vấn đề bạo lực và câu hỏi liệu con người có thể loại bỏ hoàn toàn bạo lực trên thế giới này hay không: "Thật khó để định nghĩa cuốn tiểu thuyết này bằng một từ, và tôi nghĩ nó là một cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều câu hỏi".
Nói về giải văn học Nobel, bà cho biết: "Ban đầu, tôi cảm thấy rất nặng nề vì sự quan tâm dành cho tôi. Nhưng sau khi suy nghĩ hơn một tháng, tôi nhận ra rằng giải thưởng này là dành cho văn học. Vì vậy, tôi thoải mái hơn một chút".
Nói về khả năng Hàn Quốc có người thứ hai đoạt giải Nobel, bà từ chối đánh giá do viết lách là một công việc mang nặng tính cá nhân. Tuy nhiên, bà mong muốn văn học được dạy tốt trong trường học.
Han Kang thắng giải Nobel Văn học 2024 nhờ "những áng văn xuôi mạnh mẽ, đậm chất thơ, đề cập trực diện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của kiếp người". Bà là phụ nữ châu Á đầu tiên đạt thành tựu.
Bà sinh ngày 27/11/1970 ở Gwangju (Hàn Quốc), có cha là tiểu thuyết gia Han Seung Won. Năm 23 tuổi, bà Kang bắt đầu sự nghiệp văn chương khi năm bài thơ của bà được đăng tải trên tạp chí Văn học & Xã hội. Một năm sau, truyện ngắn The Scarlet Anchor của nhà văn đoạt giải nhất trong Cuộc thi Văn học Mùa Xuân Seoul Shinmun. Năm 1995, bà ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên A Love of Yeosu.
Tên tuổi nhà văn được chú ý khi nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải Tiểu thuyết Văn học Hàn Quốc (1999), giải Nghệ sĩ trẻ Ngày nay (2000), giải Văn học Yisang (2005) hay giải Văn học Dongri (2010).
Từ thành công của The Vegetarian, nhà văn nhận sự quan tâm lớn của độc giả thế giới. Tuy vậy, bà cho biết chuộng sự riêng tư và trở lại cuộc sống bình thường không lâu sau khi nhận giải Booker. Bà là giáo sư chuyên ngành viết sáng tạo tại Học viện Nghệ thuật Seoul.
Hà Thu