Nhiều cánh đồng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đang bị nứt nẻ. |
Hiện mực nước trên các ao hồ, sông suối ở Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông suối đều nhỏ hơn trung bình cùng kỳ 20-30%, có nơi 40-50%. Một số hồ nước đã thấp hơn mực nước chết như Ia Rung (Gia Lai), Krông Búc Hạ, Ea Súp Hạ, Núi Lửa (Đăk Lăk), Đăk Sa Nen, Đăk Brông, Hồ Chè, Ia Bang Thượng (Kon Tum).
Nhận định của Trung tâm khí tượng thuỷ văn, Tây Nguyên thời gian tới ngày nắng nóng và khô, nhiệt độ có ngày lên tới 36 độ C, có mưa rào và dông vài nơi. Lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, phổ biến ở mức 25-30 mm. Tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục xảy ra. Các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn tiếp tục nắng nóng, ít mưa, tổng lượng mưa tháng có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy trên các sông suối giảm dần, có thể thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 15-25%. |
Theo Bộ NN&PTNT, Đăk Lăk bị thiệt hại nhiều nhất. 250.000 hộ dân ở đây đang lâm vào cảnh đói và rất cần sự hỗ trợ. 62.000 hộ khác đang ngóng trời cầu mưa vì hơn 2 tháng nay họ phải đi vài cây số mới lấy được một hai bình nước. Về nông nghiệp, 5.790 ha lúa đông xuân, 40.440 ha cà phê, 1.420 ha rau màu tập trung ở các huyện Krông Pak, Krông Buk, Krông Năng, Ea Kar... đang bị cạn kiệt nguồn nước tưới tiêu. Tỉnh đã chi khoảng 40 tỷ đồng, trong đó nhân dân đầu tư 35 tỷ đồng cho công tác chống hạn, tuy nhiên vẫn đành chấp nhận để nhiều diện tích lúa và cà phê bị mất trắng.
Tỉnh Gia Lai dù đã trích ngân sách 800 triệu đồng cho công tác chống hạn, nhưng hiện vẫn có 37.000 người thiếu lương thực, hơn 4.000 hộ dân với 21.420 nhân khẩu tập trung ở các huyện phía đông Trường Sơn bị khan hiếm nguồn nước sinh hoạt. 998 ha lúa đông xuân, 1.170 ha cà phê, 740 ha ngô cũng đang bị nứt nẻ, héo rũ.
Tại Kon Tum hiện có 32.500 người thiếu ăn, 2.800 hộ dân với 11.520 người tập trung ở huyện Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Đăk Tô, Sa Thầy, thị xã Kon Tum bị thiếu nước sinh hoạt. 360 ha lúa đông xuân, 59 ha cà phê, 50 ha mía cũng trong cảnh khát nước. Kon Tum đã trích 100 triệu đồng từ ngân sách của tỉnh để mua 5 máy bơm và nhiên liệu phục vụ cho việc bơm nước tưới tiêu.
Nam Trung Bộ cũng trong tình trạng khô hạn nặng. Diện tích lúa đông xuân bị thiếu nước là 4.650 ha, trong đó Bình Thuận là 3.530 ha, Ninh Thuận 610 ha, Phú Yên 510 ha. Đặc biệt có khoảng 11.000 người ở Bình Thuận và 18 xã ở Phú Yên đang thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt, ngày 16/4, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí chống hạn, khôi phục sản xuất và phòng chống đói giáp hạt trong thời gian tới. Bộ cũng đề nghị bổ sung kinh phí để sớm hoàn thành các công trình thuỷ lợi đang xây dựng, góp phần tăng thêm năng lực trữ nước mùa mưa, điều tiết cấp nước cho mùa khô. Cụ thể, các tỉnh Tây Nguyên đề nghị bổ sung 197 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình thuỷ lợi Ea Sup, Buôn Joong, Ea Kao (Đăk Lăk), hồ Chư Prông, Ia Ring (Gia Lai)... Các tỉnh Nam Trung Bộ cần bổ sung 150 tỷ đồng cho các hồ: Cà Giây, Lòng Sông, Sông Quao, Đồng Tròn, Đồng Cam.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề ra các giải pháp chống hạn tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Về thuỷ lợi, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, thay đổi phương thức tưới tiêu (rút ngắn đợt tưới, giảm số lần tưới, giữ ẩm gốc cây). Các loại máy bơm dã chiến và cả những công cụ thủ công như gàu bơm tát của từng gia đình phải được huy động tối đa cho công tác chống hạn. Bà con nông dân cần khoan thêm và sửa chữa các giếng bị hư hỏng để lấy nước.
Về nông nghiệp, Sở NN&PTNT các tỉnh cần phân loại diện tích gieo trồng, các loại cây để có thứ tự ưu tiên cấp nước. Ở Tây Nguyên cần ưu tiên tưới tiêu cho các loại cây giống, lúa đã và đang trổ bông, cần lập kế hoạch phục hồi sản xuất, đẩy mạnh trồng cây lương thực ngắn như ngô, khoai, sắn, các loại rau màu để có thêm lương thực chống đói trong những ngày giáp hạt.
Như Trang