![]() |
Nắng hạn, mất mùa khiến lũ trẻ mót không ra lúa. |
70 ha bông vải của An Giang có dấu hiệu khô cháy. Gần 3 ha rừng mới trồng đã bị rụng lá, 12.000 ha rừng có khả năng phát cháy bất cứ lúc nào, ban quản lý đã phải hợp đồng thuê trên 100 người để tăng cường công tác phòng chống cháy. Dân chúng ở các xã vùng biên như Ngọc Chúc (Tri Tôn), Văn Giáo, Vĩnh Trung (Tịnh Biên) đều bị thiếu nước sinh hoạt.
Tại Kiên Giang, nắng nóng đã làm trên 3.000 ha lúa đông xuân mất trắng, 6.000 ha có nguy cơ giảm năng suất và 10.000 ha vụ ba đang bị đe dọa. Nước mặn đã xâm thực vào một số vùng sản xuất nông nghiệp ven biển. Rừng tràm U Minh Thượng có nguy cơ cháy do tất cả các trục kênh chính đều bị khô kiệt.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi tôm ở Cà Mau. Sự chênh lệch lớn của nhiệt độ ngày và đêm khiến cho bệnh tật phát triển mạnh, tôm chết hàng loạt. Ngoài ra, toàn bộ diện tích rừng U Minh Hạ đã khô hạn, có nguy cơ cháy lớn. Riêng tại Bạc Liêu, một số vùng sản xuất rau màu bị ảnh hưởng do mạch nước ngầm dùng cho việc tưới tiêu sắp cạn.
Vùng rốn lũ huyện Tân Hưng (Long An) cũng không thoát khỏi nạn hạn hán. Từ tháng 10/2001 đến nay, nơi này chưa có cơn mưa nào. 5.000 ha đang chờ sạ lúa ở các xã Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà phải ngưng lại. Do nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn và bẩn nên đã bệnh ghẻ ngứa và kiết lỵ đã xuất hiện trong một bộ phận dân cư.
(Theo Tuổi Trẻ)