Báo cáo được công bố ngày 23/8 của Tổ chức Quan sát Hạn hán Toàn cầu (GDO), thuộc nhóm nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, cho biết 47% lục địa châu Âu đang trong tình trạng "cảnh báo", nghĩa là đất khô cằn. 17% khác trong tình trạng báo động, nghĩa là thảm thực vật "có dấu hiệu căng thẳng".
Báo cáo cảnh báo đợt khô hạn sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây cháy rừng và có thể kéo dài thêm vài tháng nữa ở một số khu vực phía nam châu Âu.
So với mức trung bình 5 năm trước, Liên minh châu Âu (EU) dự báo thu hoạch ngô giảm 16%, đậu tương giảm 15% và hoa hướng dương giảm 12%.
Ủy ban châu Âu cảnh báo dữ liệu sơ bộ cho thấy "hạn hán hiện tại có vẻ là đợt tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm qua". Ủy viên nghiên cứu Mariya Gabriel cho biết đợt nắng nóng đang diễn ra và tình trạng thiếu nước "gây căng thẳng chưa từng có đối với mực nước toàn EU".
"Chúng tôi đang nhận thấy tình trạng xảy ra nhiều cháy rừng hơn mức trung bình và tác động lớn đến sản xuất cây trồng. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng hơn", bà nói thêm.
Theo báo cáo, gần như toàn bộ sông ở châu Âu giảm mực nước hoặc khô cạn. Ngoài tác động rõ ràng đến tàu thuyền, các dòng sông khô cạn cũng tác động lĩnh vực năng lượng vốn đang gặp khủng hoảng. Sản lượng thủy điện đã giảm 20%.
"Hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi trong năm, nhưng ngày càng mở rộng và tồi tệ hơn kể từ đầu tháng 8", báo cáo có đoạn. Tình hình hạn hán có thể sẽ kéo dài ít nhất cho đến tháng 11 năm nay dọc theo Địa Trung Hải của châu Âu.
Báo cáo nêu tình hình đang trở nên tồi tệ hơn ở các quốc gia bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Romania, Hungary, bắc Serbia, Ukraine, Moldova, Ireland và Anh. Tại Anh, nhiều cây cối chuyển sang màu vàng úa như mùa thu. Nhiều người gọi hiện tượng này là "mùa thu giả" do nắng nóng.
Huyền Lê (Theo BBC)