Thiếu nước, nhiều loại cây cối rụng hết lá. |
Tại Tây Nguyên, mực nước ở các trạm thuỷ văn đều thấp hơn mức trung bình của nhiều năm 10-25% trên các sông suối lớn; 30-70% trên các sông suối nhỏ. Nước các hồ chứa cũng giảm nhanh xuống dưới mực nước dâng bình thường từ 3 đến 10 m. Cá biệt hồ Y A Rung (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đăk Lăk) đã xuống dưới mực nước chết.
Theo Trung tâm quốc gia dự báo khí tượng thuỷ văn, từ nay đến giữa tháng 4, các tỉnh Tây Nguyên và từ Nam Trung Bộ trở vào thời tiết tiếp tục nắng nóng, có mưa nhưng không đáng kể. Lượng dòng chảy trên sông suối đến giữa tháng 4 có khả năng nhỏ hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-30%. Ở Tây Nguyên, mực nước sông tiếp tục xuống, dòng chảy trên các suối nhỏ thiếu hụt khoảng 25-30%, có nơi tới 40-50%. Ở Nam Bộ, mực nước tại các cửa sông xuống thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, nước mặn xâm nhập mạnh vào vùng cửa sông và ven biển. |
Đến hôm nay, tại 2 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk có hơn 5.700 ha lúa bị hạn, trong đó 1.130 ha sẽ mất trắng. Diện tích cà phê bị khát nước đã tăng nhanh chóng. Nếu như đầu tháng 3, Đăk Lăk có 17.000 ha cà phê khô hạn thì nay đã tăng lên 32.660 ha, Gia Lai có 980 ha. Ngoài ra, còn khoảng 1.200 ha rau màu cùng 50 ha tiêu cũng đang trong tình trạng chết khô. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk, nếu từ nay đến giữa tháng 4, thời tiết tiếp tục không mưa thì diện tích cây trồng bị hạn hán sẽ tăng lên, trong đó lúa đông xuân là 2.740 ha, cà phê 12.800 ha, rau màu 290 ha.
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, từ đầu tháng 3 đến nay hầu như không có mưa, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm 1-2 độ C. Do nhu cầu tưới tiêu lớn nên dung tích các hồ chứa giảm nhanh như hồ Sông Quao (Bình Thuận) hiện chỉ còn 21,3 triệu m3 nước, trong khi dung tích thiết kế là 73 triệu m3. Hồ Suối Trầu (Khánh Hoà) lượng nước hiện chỉ còn 4,8 triệu m3, trong khi dung tích thiết kế là 14,4 triệu m3. Chỉ tính hai tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên đã có 630 ha lúa đông xuân đang bị hạn.
Tại các tỉnh Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tuy không hạn gay gắt như khu vực Tây Nguyên, nhưng lại đang phải gánh chịu nạn xâm nhập mặn. Ở các vùng cửa sông Tiền, ranh giới mặn 4 phần nghìn đã vào sâu trong đất liền khoảng 30-40 km. Riêng tỉnh Đồng Nai có 270 ha lúa và 60 ha ngô đang khát nước. Địa phương này đã tích cực bơm nước tưới nên cứu được 267 ha lúa và 30 ha ngô, số còn lại đành để mất trắng. Tỉnh Tiền Giang có 512 ha lúa đông xuân đang bị hạn và nhiễm mặn, trong đó 192 ha mất trắng.
Trước tình hình hạn hán gia tăng, Cục quản lý nước và công trình thuỷ lợi đã yêu cầu các địa phương tiếp tục bơm nước chống hạn, nạo vét kênh mương. Những vùng có công trình thuỷ lợi cần ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho dân và nước uống cho gia súc. Vùng không có công trình thuỷ lợi phải có biện pháp dùng xe chở nước sinh hoạt.
Như Trang