Tàn tích chùa Wat Nong Bua Yai hiện lên sau khi đập chứa cạn nước vì hạn hán. Video: Reutes.
Khi đập chứa nước ở tỉnh Lopburi, miền trung Thái Lan còn chưa đầy 3% dung tích, tàn tích của Wat Nong Bua Yai, ngôi chùa bị nhấn chìm trong quá trình xây dựng đập 20 năm trước, xuất hiện trở lại trên mặt đất khô hạn.
Một số nhà sư đi lại giữa hàng trăm Phật tử, qua những mảng đổ vỡ của ngôi chùa trên mặt đất nứt nẻ đầy cá chết vào tuần trước, để tỏ lòng thành kính với tượng Phật không đầu cao 4 mét, dâng hoa lên tượng.
"Chùa thường ngập dưới nước. Vào mùa mưa, không thể nhìn thấy chùa", Somchai Ornchawiang, một giáo viên 67 tuổi đã nghỉ hưu, cho hay.
Ông lấy làm tiếc vì ngôi đền chìm trong nước nhưng cũng rất lo lắng về thiệt hại do hạn hán gây ra với ngành nông nghiệp.
Con đập có sức chứa 960 triệu m3, cung cấp nước tưới tiêu cho 526.000 ha đất nông nghiệp ở 4 tỉnh, nhưng nay chỉ có thể cung cấp cho 1.214 ha ở tỉnh Lopburi vì hạn hán.
Cục Khí tượng cho hay Thái Lan đang đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ, với mực nước ở các đập trên toàn quốc thấp hơn nhiều so với mức trung bình tháng.
Yotin Lopnikorn, 38 tuổi, trưởng làng Nong Bua gần ngôi chùa, nhớ lại rất hay cùng bạn bè tới đây chơi khi còn nhỏ, trước khi đập được xây dựng và làng phải chuyển đi chỗ khác.
"Khi còn nhỏ, tôi hay chơi với bạn bè ở chỗ tượng voi, trước gian thờ chính", Yotin nói.
Khi đó, ngôi chùa là trung tâm của cộng đồng, thường tiến hành các nghi lễ, lễ hội và sự kiện giáo dục, ngoài chức năng là sân chơi và khu giải trí. Cạnh chùa là tàn tích nhà cửa của 700 hộ gia đình trong làng. Ngôi chùa từng xuất hiện trong đợt hạn hán năm 2015.
"Đây là lần thứ hai tôi thấy ngôi chùa trong tình trạng này", Yotin nói. "Tôi nghĩ chúng ta cần cứu lấy nơi này".
Hồng Hạnh (Theo Reuters)