Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam (gọi tắt là đề án hạn chế xe cá nhân). Đây không phải lần đầu câu chuyện này được nhắc tới nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của nhiều người.
Đầu tiên là ra quy định người đi xe chỉ được vào thành phố trong thời gian cho phép chứ không được thích đi lúc nào thì đi.
Thứ hai, là phân tách làn dành riêng cho xe máy và làn xe thô sơ trên các tuyến đường ra vào nội thành. Tức là ôtô có làn riêng còn các phương tiện còn lại sẽ có làn riêng.
Thứ ba, là áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ xe theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài, tăng dần theo mật độ giao thông.
Thật ra, cả ba biện pháp này không hề mới, có cái đã được áp dụng ở Việt Nam, có cái đã được các quốc gia trong khu vực áp dụng nhưng tính hiệu quả nó mang lại không hề cao. Việc phân làn cho các phương tiện tham gia giao thông đã được Hà Nội áp dụng ở một số tuyến đường như Đại Cồ Việt, Bà Triệu, Phố Huế, Hàng Bài,… và kết quả là không thành công.
Nhiều tỷ đồng đầu tư đã bị lãng phí khi việc phân làn này mang lại nhiều phiền toái. Từ ngày có giải phân cách cứng để phân làn, số vụ tai nạn có chiều hướng gia tăng khi người tham gia giao thông cứ "thích" đâm vào giải phân cách này hơn là đi theo sự chỉ đạo của nó.
Đường đô thị đa phần là bé, ngắn và có nhiều chỗ rẽ, cứ ngăn được một đoạn lại phải mở để các phương tiện lại chuyển hưởng, đây chính là nguyên nhân tắc đường và va quệt chứ không phải vì lý do nào khác. Phân làn ở đường cao tốc hay đường vành đai là điều không phải bàn cãi, nhưng việc phân làn với đường trong đô thị thì hoàn toàn không hợp lý. Chúng ta đã thử và thất bại vậy mà không hiểu sao vẫn còn định sử dụng lại biện pháp này.
Còn việc phân luồng và kiểm soát xe cộ tham gia giao thông theo giờ nhất định, không hiểu các cơ quan quản lý sẽ phân biệt các xe được chạy và các xe không được tham gia giao thông như thế nào.
Chẳng lẽ học tập Trung Quốc với Indonesia, chia ra biển chẵn biển lẻ hay biển đỏ, biển xanh? Biện pháp này chỉ áp dụng được với các tuyến cao tốc hiện đại có hệ thống máy tính nhận biết biển số xe chứ đường trong đô thị ở nước ta, nhận biết bằng mắt của cảnh sát giao thông thì e là ngoài khả năng của các anh. Mà khi các cảnh sát giao thông có nhận ra biển số thì xe cũng đã đi xa rồi, vậy sẽ phải làm sao? Chẳng lẽ lập rào chắn để xem biển số rồi mới cho đi qua à?
Kể cả khi việc phân luồng theo biển số này thực hiện được thì người Việt Nam sẵn sàng mua thêm xe để có đủ các loại biển số để được tham gia giao thông. Bỏ thêm một số tiền chứ nhất quyết không dùng các phương tiện giao thông công cộng. Nguyên nhân là bởi đi xe buýt ở Việt Nam không khác gì cực hình.
Còn việc thu thêm phí tham gia giao thông giờ cao điểm, thực sự không biết nên cười hay nên khóc với đề xuất này. Đã thu phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ rồi phí tham gia giao thông trên giá xăng rồi mà giờ còn đòi thu thêm cả phí đi đường giờ cao điểm nữa. Đường chật, tắc, giao thông yếu kém là do quản lý và xây dựng, chứ sao lại đổ hết lên đầu người dân rồi bắt họ chịu?
Khoản thu này thật bất hợp lý. Đường bé, giờ lại phải xây thêm mấy trạm thu phí ở trong phố như vậy thì đường càng tắc thôi chứ không thể giải quyết được tình hình. Chẳng lẽ để cứu cho các tuyến phố hiện đang bị tắc đường, các tuyến phố xung quang sẽ phải xây trạm thu phí và lại chịu cảnh bị tắc?
Không thể ép người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng được. Nếu cảm thấy phương tiện công cộng là tốt thì người dân sẽ tự động bỏ ngay chiếc xe của mình thôi. Còn nếu không thì dù có cấm, người dân cũng sẽ tìm ra trăm phương nghìn kế để lách luật.
Suy cho cùng, giao thông nước ta rơi vào tình cảnh như thế này là do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là cho cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém. Thứ hai là ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp. Vậy nên nếu chưa giải quyết được điều này thì việc hạn chế xe cá nhân hay gì đi nữa cũng khó có thể giải quyết được vấn đề.
Đúng là chẳng ở đâu như Việt Nam, chiếc xe vừa đắt, vừa lạc hậu hơn so với thế giới mà nay người ta 'dọa' thu, mai người ta 'dọa' cấm lưu thông.
>> Xem thêm: Viễn cảnh giao thông Việt Nam sau khi 'hạn chế' xe cá nhân
Long Hoàng
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.