Sáng 18/12, thảo luận tại Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cho rằng hiện nay việc quản lý giới thiệu trẻ em làm con nuôi, đặc biệt là con nuôi có yếu tố nước ngoài, chưa được chú trọng. Cơ sở nuôi dưỡng vừa là nơi tiếp nhận, vừa là nơi nhận viện trợ nhân đạo từ nước ngoài, đồng thời cũng là nơi giới thiệu trẻ. Điều này dẫn đến sự thiếu vô tư, khách quan trong việc giới thiệu trẻ làm con nuôi người nước ngòai, cá biệt dẫn đến tiêu cực và vi phạm pháp luật.
Ủy ban Pháp luật đề nghị tổ chức lại việc giới thiệu cho trẻ em làm con nuôi, tách bạch việc giới thiệu trẻ với việc tiếp nhận viện trợ nhân đạo, đảm bảo sự quản lý của nhà nước. Cơ quan này đề xuất 2 phương án. Một là thành lập Hội đồng tư vấn ở tỉnh thành phố do giám đốc Sở Tư pháp làm chủ tịch, thành viên còn lại là lãnh đạo các sở. Hai là giao cho Sở Tư pháp thực hiện giới thiệu trẻ và trình Chủ tịch UBND tỉnh thành quyết định.
![]() |
Trẻ sơ sinh được nuôi tại Trung tâm Trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Ý Yên. Ảnh: PL TP HCM. |
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh thành đã xuất hiện tiêu cực trong việc cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài. Tại Nam Định, cơ quan chức năng đã xét xử giám đốc hai trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh này khi thu gom, lập hồ sơ giả xác nhận nguồn gốc các bé đều là “trẻ bị bỏ rơi” tại cơ sở y tế, nhằm thuận tiện trong thủ tục cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài. Mỗi trẻ được về với cha mẹ nuôi, trung tâm được ủng hộ 500 USD (thời điểm 2005-2006) và 10 triệu đồng (2007-2008)...
Tại Lâm Đồng, Hiệu trưởng trường Nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật và lang thang cơ nhỡ Tia Sáng đã bị bắt để điều tra về việc "bán" trẻ ra cộng đồng với giá từ 20 triệu đến 25 triệu đồng một trẻ.
Hồng Khánh