Xe chở vịt này từ Long An đã né trạm kiểm dịch Bình Chánh (TP HCM) lọt vào thành phố. Ảnh: Việt Hòa |
Ông Phát gợi ý các địa phương nên học tập An Giang, tức là không thả rông ngan vịt để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa hạn chế nguy cơ lây lan dịch cúm, nhất là trong mùa lũ. Sở dĩ quyền Bộ trưởng NN&PTNN nhấn mạnh tới giải pháp nuôi nhốt thủy cầm bởi những thông tin do Phó viện trưởng Viện Thú y Lê Văn Tạo đưa ra đã khiến không ít đại biểu dự hội nghị giật mình.
Theo ông Tạo, "thủ phạm" khiến dịch cúm gia cầm tái phát rất có thể là thuỷ cầm. Hiện cơ quan này chưa tìm ra cơ chế lây truyền virus cúm H5N1 trên đàn thuỷ cầm và từ thuỷ cầm sang các con khác, nhưng thực tế ở những địa phương tái phát dịch, khi lấy mẫu huyết thanh trên đàn thủy cầm đều cho kết quả dương tính, dù chúng vẫn sống mạnh khoẻ. Một nghiên cứu gần đây tại Thái Bình cho thấy, nguy cơ tái phát dịch ở những hộ nuôi chung gà, vịt, ngan, lợn cao gấp 3,6 lần so với hộ nuôi riêng lẻ từng loại gia cầm.
Ông Tạo đưa ra giả thuyết, rất có thể trong thời gian dịch phát triển mạnh (cuối năm 2003, đầu năm 2004), khi gà chết hàng loạt, thủy cầm vẫn sống khỏe hoặc chết lẻ tẻ thì ít người chú ý tới khả năng thuỷ cầm mang mầm bệnh. Nhưng theo các tài liệu nghiên cứu gần đây, nếu một con vịt chết bởi virus cúm thì virus này có thể sống trong ống xương vịt tới 105 ngày, trong phân 75 ngày. "Đây chính là nguồn lây lan cúm gia cầm. Nó khiến chúng ta không thể hy vọng thanh toán được dịch ngay, mà chỉ có thể khống chế", ông Tạo nói.
Lãnh đạo các tỉnh đều nhất trí thủy cầm nguy hiểm, song kiểm soát được chúng không phải là đơn giản. Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết, toàn tỉnh hiện có 4,5 triệu gia cầm, trong đó có 1 triệu con vịt. Tỉnh ra quy định nếu đàn vịt nào xét nghiệm huyết thanh cho kết quả dương tính với virus H5 thì không được di chuyển ra khỏi xã, nhưng thực tế rất khó kiểm soát. Tập quán của nông dân đồng bằng sông Cửu Long là nuôi vịt đàn, thả cho ăn thóc rụng ở hết tỉnh này sang tỉnh khác. Trong khi di chuyển nếu phát hiện vịt chết thì chủ đàn sẽ bán tháo, hoặc thì bỏ cả đàn nếu chết nhiều. Trong trường hợp này, ngành thú y không thể biết để tiến hành biện pháp phòng dịch.
Tương tự như Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh Long An hiện rất lo lắng trước nguy cơ bùng phát dịch từ đàn vịt. Từ ngày 20/2 đến 19/10, Chi cục thú y đã lấy 1.641 mẫu huyết thanh vịt và phát hiện tới 294 mẫu dương tính, đa số rơi vào vịt đẻ. Đợt tái phát dịch gần đây nhất (từ 28/9 đến 9/10) tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, một chủ trang trại phải tiêu hủy 2.000 con gà và qua điều tra của lực lượng thú y thì trước đó chủ trại đã nuôi mấy chục con vịt. "Rất có thể những con vịt này là nguồn gây bệnh cho gà", ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch tỉnh Long An, nói.
Trước tình hình trên, lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngay cả quyền Bộ trưởng NN&PTNT cũng rất lo năm nay nông dân sẽ mất Tết. Hiện nguy cơ bùng phát cúm gia cầm trên địa bàn là cực kỳ lớn. Ngoài lý do khó kiểm soát sự di chuyển của nguồn bệnh là đàn vịt thì vacxin phòng dịch vẫn chưa có, việc kiểm soát dịch bệnh qua biên giới Campuchia chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, các tỉnh cũng đang bế tắc trong việc tiêu huỷ gia cầm bệnh. Bởi đang là mùa lũ, nếu gia cầm chết, bà con sẽ không biết chôn vào đâu. Nếu thả xuống nước thì mầm bệnh sẽ phát tán khắp nơi.
Từ thực tế trên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thống nhất kiến nghị với Bộ NN&PTNT cần sớm nghiên cứu đưa vacxin vào phòng bệnh cho gia cầm, xem xét nâng mức hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại. Hiện một số tỉnh như Long An đã dự tính nâng mức hỗ trợ lên 10.000 đồng/gà 2 tháng tuổi, gấp đôi quy định của nhà nước. Đặc biệt, các tỉnh cho rằng phải đẩy nhanh quá trình phân lập virus. Hiện nay công việc này được tiến hành quá chậm, ít nhất phải 2 tuần, trong khi yêu cầu của công tác phòng chống dịch là phải xử lý nhanh.
Trả lời thắc mắc này, Giám đốc Trung tâm thú y vùng Nguyễn Bá Thành cho rằng dịch diễn biến quá nhanh, quá phức tạp. Với điều kiện cơ sở vật chất và khả năng hiện có, Việt Nam chỉ đủ sức đối phó, chứ chưa thể giải quyết triệt để được dịch. "Quy định là phải phân lập được virus (bước thứ hai sau việc lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm) rồi mới tiến hành tiêu huỷ đàn gia cầm, nhưng trung tâm chưa làm được vì không có trang thiết bị", ông Thành nói.
Là những người làm công tác thú y, ông Thành và ông Đồng Mạnh Hòa, Giám đốc Trung tâm thú y TP HCM, đều cho rằng nuôi gia cầm trong điều kiện hiện nay là quá phiêu lưu. Cơ quan thú y các tỉnh cần nói rõ cho bà con những rủi ro gặp phải khi tái sản xuất. Còn về đề nghị sử dụng vacxin, ông Hòa cho biết nếu có vacxin thì chỉ nên sử dụng trong những khu vực chăn nuôi có kiểm soát chặt chẽ, còn với các hộ gia đình thì chưa nên dùng. Lý do vacxin là con dao hai lưỡi, nó không thể diệt được virus, mà có khi còn gây tác hại.
Như Trang - Việt Hòa