Đề án thu phí "hạn chế phương tiện cá nhân" của bộ GTVT mà cụ thể là đánh vào những người sử dụng xe hơi là phi lý và sẽ gây những hậu quả khó lường tới sự phát triển của xã hội.
Một trong những cách làm của nước ta hiện nay để quản lý giao thông đường bộ là dùng thuế, phí và rồi lại phí, thuế... Tất nhiên, đây cũng là biện pháp có một số mặt tốt, tuy nhiên nó tồn tại quá nhiều hạn chế mà thời gian qua đã có rất nhiều chuyên gia phân tích.
Hôm nay, tôi đọc bài viết “ Đua nhau bán ôtô chạy phí” và chợt nhận ra rằng biện pháp này chứa đựng nhiều hệ quả chưa tốt cho xã hội. Mong những người có thẩm quyền quyết định và những người có lá phiếu biểu quyết thông qua các chính sách thuế, lệ phí suy nghĩ và cân nhắc kỹ càng trước khi biểu quyết, quyết định.
1. Thu các loại phí đối với ôtô làm hạn chế số lượng ôtô và khi đó số lượng xe máy lưu thông trên đường tăng lên vì số lượng người và nhu cầu đi lại không giảm. Trong khi đó, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nên khi không đi ôtô xe máy là lựa chọn ưu tiên của người dân.
Như vậy, số lượng xe máy lưu thông trên đường sẽ tăng lên nhiều lần trên các con đường. Mà như chúng ta đã biết, xe máy không phải là một phương tiện thể hiện sự văn minh, không phải là xu thế phát triển của một đất nước và xe máy tham gia giao thông thì không thể nào an toàn bằng ôtô.
Một đất nước mà xe máy chạy tràn lan, chen chúc trên lòng đường, hè phố thì không thể để lại ấn tượng tốt đẹp được.
Tôi thấy có lần mấy du khách du lịch nước ngoài cứ dương ống kính camera lên quay, chụp liên tục tại các ngã tư đường ở Hà Nội. Có lẽ vì họ thấy cảnh nhiều xe máy quá nên rất hiếu kỳ và lạ lẫm, muốn ghi lại một vài hình ảnh để về khoe với bạn bè, gia đình về những hình ảnh ấn tượng và đặc trưng cho giao thông Việt Nam.
2. Thu phí đối với ôtô cũng kéo theo việc nhiều người đang sở hữu ôtô muốn bán ôtô vì không thể gánh thêm được một vài loại phí nữa do họ đã phải gánh quá nhiều loại thuế và phí.
Số lượng người sở hữu ôtô thuộc loại này là đại đa số. Trong khi đó, những người đang có ý định mua ôtô thì nay từ bỏ luôn ý định này. Như vậy, lượng người có ý định bán ôtô đã qua sử dụng tăng lên, trong khi lượng người có nhu cầu mua thì giảm xuống nhiều.
Do đó, chắc chắn một hệ quả là ảnh hưởng đến thị trường mua bán xe ôtô kể cả xe mới. Thị trường khi đó sẽ trầm lắng, đóng băng làm cho những người kinh doanh ôtô khó khăn, thua lỗ và thậm chí là phá sản.
Tất nhiên, lúc đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm của nhiều người lao động và gia định của họ. Hệ quả này, chắc chắn cũng không tốt cho xã hội.
3. Thu phí đối với ôtô cũng nảy sinh tình trạng một số người lâu nay mua ôtô chỉ để sử dụng cho một số công việc nhất định, không đi thường xuyên (số lượng này cũng rất nhiều) nay phải đóng phí, đối tượng này có ý định là đi xe nhiều hơn, thường xuyên hơn vì đằng nào cũng đã đóng phí cào bằng như nhau rồi.
Hay một số người cho rằng đi ít đi nhiều thì cũng bằng đấy phí thì tội gì mà đi ít. Như vậy, lượng xe ôtô lưu thông trên đường vẫn tăng lên mà chẳng có giảm xuống. Và ý định thu phí để hạn chế ôtô lưu thông trên đường trở thành con dao hai lưỡi.
4. Việc thu phí đối với ôtô cũng kéo theo sự ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải. Và một phản ứng thông thường của người kinh doanh vận tải hành khách khi đó là tăng giá cả vận chuyển hàng hóa, vận tải hành khách.
Giá cả vận tải tăng lên ảnh hưởng đến nhiều người kinh doanh hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân. Giá cả vận tải tăng thì dẫn đến người kinh doanh hàng hóa cũng tăng giá cả các mặt hàng đã được vận chuyển và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, kể cả người đi ôtô và không đi ôtô.
Giá vận tải hành khách tăng thì người dân sử dụng taxi phải trả nhiều tiền hơn, còn nếu không sử dụng taxi thì đi xe máy thì sẽ làm lượng xe máy lưu thông tăng lên, độ an toàn kém hơn và không văn minh nữa.v.v…
Và chắc còn nhiều hệ quả không tốt nữa mà các độc giả có thể thảo luận và bổ sung. Tôi thiết nghĩ chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ cho thấy biện pháp thu phí đối với ôtô là không hợp lý. Một số người cho rằng, thu phí đối với ôtô là để đóng góp cho đất nước, đảm bảo công bằng xã hội hay “thể hiện lòng yêu nước”.v.v…
Nhưng theo tôi, có nhiều cách để đóng góp cho đất nước, có nhiều cách khác để thể hiện lòng yêu nước. Việc những người đang đi ôtô đóng 8 đến 9 loại thuế và phí như hiện nay dẫn đến mỗi chiếc xe ở Việt Nam đắt gấp 3 lần ở các nước khác cũng là đã đóng góp cho đất nước và cũng có phần nào công bằng rồi đấy chứ.
Còn để quản lý giao thông, giảm ùn tắc giao thông thì có nhiều biện pháp tốt hơn chứ không phải cứ sử dụng chính sách thuế và phí. Đối với nước ta mà đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM cần phải tăng cường việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác để giải quyết tình trạng giao thông hiện nay.
Mong tất cả chúng ta hãy cũng suy ngẫm và cùng có cách nhìn nhận, lựa chọn sáng suốt để giao thông Việt Nam ngày càng phát triển, hình ảnh giao thông Việt Nam đẹp đẽ hơn, văn minh hơn chứ không phải là “nhìn đâu cũng thấy xe máy, xe máy và xe máy”.
Khắc Huy