Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) hôm nay dự kiến ra phán quyết mang tính bước ngoặt trong vụ kiện do Nam Phi đệ trình với cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở Dải Gaza. Trong đơn kiện, Nam Phi cũng kêu gọi tòa ra lệnh ngừng bắn lập tức ở vùng đất này.
"Trong trường hợp ICJ có trụ sở tại The Hague, Hà Lan ra phán quyết yêu cầu ngừng bắn, phong trào Hamas sẽ tuân thủ, miễn là đối thủ cũng làm như vậy", quan chức cấp cao của Hamas Osama Hamdan phát biểu trong cuộc họp báo ở Beirut, Lebanon ngày 25/1.
Theo Hamas, nếu lệnh ngừng bắn được đưa ra, nhóm sẽ thả những người Israel bị giữ ở Gaza để đổi lấy người Palestine bị giam trong các nhà tù Israel. Lực lượng này cũng kêu gọi Israel chấm dứt phong tỏa Dải Gaza, đồng thời cho phép viện trợ nhân đạo và vật liệu tái thiết vào khu vực.
Phán quyết của ICJ, cơ quan xử lý tranh chấp giữa các quốc gia, có tính ràng buộc về mặt pháp lý và không thể bị kháng cáo. Tuy nhiên, các quốc gia không phải lúc nào cũng tuân thủ, do cơ quan này không có phương thức đảm bảo thực thi phán quyết.
Dù vậy, một phán quyết bất lợi đối với Israel chắc chắn sẽ gia tăng áp lực chính trị lên nước này, thậm chí có thể trở thành cái cớ cho các lệnh trừng phạt quốc tế.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng ám chỉ sẽ không bị bất kỳ phán quyết nào của ICJ ràng buộc. "Không ai có thể ngăn cản chúng tôi, không phải tòa án ở The Hague, không phải Trục ma quỷ hay bất kỳ ai khác", ông Netanyahu nói hôm 14/1, đề cập đến các nhóm "Trục kháng chiến" được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen.
Ít nhất 25.900 người, trong đó 70% là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng từ khi Israel mở chiến dịch ở Dải Gaza để đáp trả cuộc đột kích của Hamas tháng 10/2023. Sau các thỏa thuận trao đổi, hiện khoảng 130 con tin Israel vẫn ở Gaza. Israel cho rằng 112 con tin còn sống.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)