Cầu Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã ở thị xã Thanh Hóa được người Pháp cho xây dựng năm 1901. Bốn năm sau, cây cầu thiết kế hình vòm được khánh thành với mục đích đẩy mạnh khai thác thuộc địa, vừa giúp quân Pháp tiện lợi trong các cuộc hành quân trấn áp phong trào yêu nước.
Quanh cầu Hàm Rồng đầu thế kỷ 20 có nhiều nhà máy, công xưởng mọc lên như nhà máy cưa xẻ, sản xuất diêm, rượu, xưởng đúc tiền... đều do người Pháp nắm giữ. Với vị trí chiến lược quan trọng, nơi đây được coi là trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất Thanh Hóa thời đó.
Mùa xuân năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, cầu Hàm Rồng bị phá hủy bằng bộc phá cùng với nhiều công trình khác.

Cầu Hàm Rồng ngày 19/5/1964. Ảnh tư liệu
Năm 1962, cầu Hàm Rồng được xây dựng lại ở vị trí cũ nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô. Cầu dài 160 m, rộng 17 m, có đường xe lửa ở giữa, hai bên dành cho ôtô và người đi bộ. Cầu khánh thành ngày 19/5/1964 với sự kiện chuyến tàu đầu tiên chạy từ Hà Nội qua Hàm Rồng vào Vinh.
Âm mưu chặt đứt cây cầu huyết mạch
Theo tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngay từ cuối năm 1961 quân đội Mỹ đã đề cập đến việc mở rộng ném bom miền Bắc Việt Nam, nơi họ cho là "nguồn gốc của mọi vấn đề". Người Mỹ khi đó ước tính "chỉ cần 12 ngày là tất cả mục tiêu trong danh sách sẽ bị phá hủy nếu sử dụng toàn bộ lực lượng không quân hiện có ở Thái Bình Dương".
Tháng 5/1964, một bản kế hoạch chi tiết với 94 mục tiêu đánh phá ở miền Bắc chính thức được Hội đồng chiến tranh Mỹ thông qua. Cầu Hàm Rồng nằm trên vĩ tuyến 20 là một trong những "mục tiêu được đánh số đặc biệt".
Khu vực Hàm Rồng khi đó gồm thị xã Thanh Hóa và ba xã lân cận của huyện Hoằng Hóa, diện tích trên 50 km2, với khoảng 100.000 dân cư. Nơi này có vị trí quan trọng về quốc phòng, tập trung nhiều cơ quan đầu não của trung ương và địa phương, là đầu mối giao thông thủy bộ.
Đánh phá cầu Hàm Rồng, Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn có hiệu quả sự chi viện từ miền Bắc vào Nam. Lầu Năm Góc muốn bao vây cô lập cuộc kháng chiến ở miền Nam, đồng thời phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, uy hiếp tinh thần, làm lung lay quyết tâm kháng chiến của Việt Nam.
Ngày 2-4/8/1964, quân đội Mỹ cho tàu khu trục Maddox khiêu khích hải quân Việt Nam, dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ" nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế. Mục đích chính là lấy cớ tấn công miền Bắc.
Ngày 13/2/1965, Tổng thống Mỹ Johnson phê chuẩn kế hoạch "Sấm rền" leo thang ném bom miền Bắc đến vĩ tuyến 19. Mỹ muốn gây sức ép đòi Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận điều kiện không được ủng hộ tinh thần và chi viện cho phong trào cách mạng ở miền Nam và Lào.
Thực hiện chủ trương đó, những ngày đầu năm 1965, quân Mỹ nhiều lần ném bom miền Bắc theo thuyết "ăn miếng trả miếng". Ròng rã suốt hai tháng, không quân Mỹ tiến hành trên 30 cuộc ném bom ra Bắc. Song những cuộc tấn công của quân giải phóng vào các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam không hề giảm mà ngược lại còn tăng hơn trước.
Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ trong cuộc họp khẩn tại Washington ngày 1/4/1965 quyết định đưa quân đội chính quy trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam, đồng thời muốn chuyển cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc từ mục đích trả đũa sang ý đồ ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường phía Nam.
Hệ thống giao thông lúc này trở thành mục tiêu cốt tử trong các cuộc oanh tạc của không quân Mỹ. Giới quân sự Mỹ xác định có "60 điểm tắc" trên hệ thống giao thông ở Bắc Việt, chủ yếu là những cây cầu. Và Hàm Rồng được xem là "điểm tắc lý tưởng, là đầu mút của khu vực cán xoong" cần sớm triệt hạ.
Mặt trận Hàm Rồng chuẩn bị lực lượng
Trước tình hình quân Mỹ ngày càng lộ rõ bản chất hiếu chiến, ngày 9/1/1964, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam triệu tập Hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc bàn đối sách.
"Trọng điểm quân Mỹ đánh phá vào quân khu lúc này là Thanh Hóa, trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng. Bảo vệ được cầu Hàm Rồng là góp phần đảm bảo giao thông thông suốt", lãnh đạo Quân khu 3 nhận định.
Yêu cầu chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến được thực hiện khẩn trương. Các ngành y tế, giao thông, thông tin, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp vừa chuẩn bị vũ khí chiến đấu vừa khẩn trương đào hầm hào, công sự, sẵn sàng tránh và đánh trả với phương châm bảo vệ cầu Hàm Rồng bằng mọi giá.
Để tăng cường lực lượng bảo vệ cầu Hàm Rồng, đầu năm 1965 Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam điều động về Thanh Hóa Trung đoàn 13, pháo cao xạ 37 ly, thuộc Sư đoàn 213, đang huấn luyện ở Nam Định. Tháng 3/1965, Bộ Tư lệnh Phòng không không quân điều Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 330 đang bảo vệ Thủ đô Hà Nội vào mặt trận Hàm Rồng.
Sư đoàn 3014 và Sư đoàn 305 cũng chuyển về Thanh Hóa một đại đội cao xạ 37 mm và một đại đội 14,5 mm khác. Tỉnh đội Thanh Hóa cũng điều động toàn bộ hỏa lực của dân quân tự vệ các khu vực lân cận về bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Lực lượng tham chiến tại Hàm Rồng được tổ chức thành năm cụm hỏa lực. Mỗi cụm đều có khả năng chiến đấu độc lập, đồng thời có thể hiệp đồng với đơn vị khác. Sở Chỉ huy cụm đặt tại núi Cuội, hai đài quan sát đặt ở núi Mật và cao điểm 134, cách chân cầu Hàm Rồng không xa.
Hai ngày đầu tháng 4/1965, chỉ huy mặt trận Hàm Rồng nhận mật báo: "Địch sẽ đánh lớn vào các ngày 3-4/4" và được yêu cầu "phải đánh chắc, đánh trúng, bảo vệ mục tiêu, tiết kiệm đạn dược".
Tọa độ lửa Hàm Rồng mùa hè năm 1965
8h45 ngày 3/4/1965 quân đội Mỹ mở màn chiến dịch không kích Thanh Hóa bằng trận đánh cầu Đò Lèn, cách Hàm Rồng gần 20 km về phía Bắc. Bị quân và dân Đò Lèn đánh trả quyết liệt, Mỹ phải chấm dứt đợt tấn công sau hơn một giờ.
Song song với đợt đánh Đò Lèn từ hướng Bắc, máy bay Mỹ cũng tấn công dữ dội các mục tiêu phía nam thị xã Thanh Hóa như cầu Đống, cầu Cun, ga Văn Trai..., đồng thời cho máy bay trinh sát kỹ lưỡng trận địa Hàm Rồng. Cách đánh của đối phương nhằm đưa Hàm Rồng vào thế cô lập để "tung đòn dứt điểm".
Đúng 13h ngày 3/4/1965, cuộc tấn công cầu Hàm Rồng của không lực Mỹ bắt đầu. Suốt 4 giờ, từng tốp máy bay phản lực đủ loại như F105, F8, F101... thay nhau bắn phá Hàm Rồng. Trong phút chốc, khu vực Hàm Rồng với phạm vi hàng chục km2 trở thành chảo lửa. Bầu trời và mặt đất rung chuyển bởi hàng trăm máy bay phản lực liên hồi quăng bom.

Trận địa pháo cao xạ ở mặt trận Hàm Rồng. Ảnh tư liệu
Do chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nên quân và dân Hàm Rồng đã hiệp đồng giáng trả. Pháo cao xạ trên các đỉnh đồi Yên Ngựa, Quyết Thắng liên tục khai hỏa. "Nòng pháo có lúc đỏ lừ, các chiến sĩ phải dùng quần áo hay mảnh chăn ướt phủ lên, tiếp tục bắn về phía địch", cựu binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228, kể lại.
Đơn vị ông Giang khi đó được giao trấn giữ điểm cao C4 trên đồi Quyết Thắng, nơi được coi là hỏa lực số một bảo vệ cầu Hàm Rồng. "Chúng tôi được yêu cầu đánh vỗ mặt đối phương, cứ người này gục xuống, người khác lại trèo lên mâm pháo", ông Giang kể.
Hôm đó, Mỹ thả hàng trăm quả bom song cầu vẫn trụ vững. Quân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã bắn rơi 17 máy bay của Mỹ, trong đó có cả F105 được mệnh danh "Thần sấm" - loại lần đầu xuất hiện trên bầu trời miền Bắc. 17h11, Mỹ phải ngừng bắn phá Hàm Rồng.
Phán đoán quân Mỹ sẽ tiếp tục đánh phá Hàm Rồng, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị: "Địch chưa chặt đứt cầu Hàm Rồng, chắc chắn ngày mai sẽ đánh ác liệt hơn, phải củng cố trận địa, bổ sung người và vũ khí chiến đấu".
Theo lời ông Giang, suốt đêm đó, quân dân thị Thanh Hóa và các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia đã thức trắng để gia cố hầm hào, đào đắp công sự, cùng với bộ đội chủ lực chuẩn bị cho một ngày chiến đấu được dự báo sẽ còn tàn khốc hơn rất nhiều.
Ba đại đội 2, 4, 5 pháo cao xạ 57 ly của Trung đoàn 234 (Đoàn Tam Đảo), Sư đoàn 350, Bộ Tư lệnh phòng không đang chiến đấu ở Nghệ An, được lệnh ngược ra gấp để bảo vệ Hàm Rồng.
7h30 ngày 4/4/1965, nhiều tốp máy bay Mỹ ồ ạt tiến công bầu trời Thanh Hóa từ hướng biển. Phát hiện pháo binh Trung đoàn 234 đang hành quân từ Nghệ An ra, quân Mỹ tập trung hỏa lực đánh chặn tại Phà Ghép. Từ 8h30 đến 9h30 cùng ngày, ba đại đội của Trung đoàn 234 cùng dân quân các xã Hải Lĩnh, Tân Dân, Hải An, Hải Châu và dân quân hai bên bờ sông Yên đánh trả quyết liệt. Ba chiếc F105 bị bắn rơi, một phi công bị bắt sống.
Tại mặt trận Hàm Rồng, hơn 10h, máy bay từ nhiều hướng ồ ạt trút bom. Quân Mỹ đánh dồn dập hòng làm cho trận địa Hàm Rồng rối ren, không kịp đối phó. Tuy nhiên, lưới lửa phòng không của quân đội Việt Nam đã làm rối loạn đội hình từ xa khiến phi công Mỹ không thể công kích mục tiêu. Những chiếc ngoan cố đến gần chân cầu bị các trận địa cao xạ trên các sườn đồi khai hỏa đánh đuổi.
Trước lưới lửa phòng không nhiều tầng được dàn trận tại Hàm Rồng, máy bay Mỹ buộc phải nâng độ cao. Lúc đó, không quân Việt Nam lại xuất kích chặn đánh. Cùng tham gia trận này có hai tàu chiến của hải quân và các biên đội MIC 17 của không quân Việt Nam. Sự phối hợp của các lực lượng tham gia chiến đấu đã tạo nên thế trận liên hoàn "bủa vây đám giặc trời".
Sau 11 đợt công kích, quân Mỹ vẫn không phá hủy được mục tiêu mà ngược lại số máy bay bị bắn rơi ngày một tăng. Gần trưa, không quân Mỹ tạm dừng trận đánh, rút về căn cứ.

Cầu Hàm Rồng bị đánh sập tháng 10/1972. Ảnh tư liệu
Chiều 4/4/1965, lợi dụng ánh nắng chói xuyên theo hướng mặt trời, máy bay Mỹ từ hướng tây nam liên tục bổ nhào, cắt bom. Quân và dân Hàm Rồng vẫn hiệp đồng chặt chẽ, giáng trả bằng những loạt đạn chính xác, làm cho quân Mỹ phải hốt hoảng ném bom bừa bãi rồi tháo chạy.
Đúng 17h, trận chiến tại Hàm Rồng kết thúc. Quân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã bắn rơi thêm 30 máy bay Mỹ. Tổng cộng trong ngày 3-4/4/1965, không quân Mỹ đã sử dụng hơn 450 lượt máy bay, ném xuống Thanh Hóa gần 630 quả bom các loại. Riêng mặt trận Hàm Rồng bị bắn phá 80 lần, hứng chịu 350 quả bom và 149 quả rocket... Nhưng cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang.
Ngay trận đụng độ đầu tiên ở Hàm Rồng, quân đội Mỹ đã thất bại, quân dân Thanh Hóa bắn rơi 47 máy bay - kỷ lục trong một trận đánh sau này không ở đâu đạt được. Báo chí phương Tây gọi đây là "hai ngày đen tối" nhất của không lực Mỹ.
Trận địa phòng không Hàm Rồng những năm sau đó liên tiếp lập thêm những chiến công khác cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 27/1/1973. Tại đây, nhiều loại máy bay tân tiến nhất của Mỹ như A6A "thần đột nhập", "pháo đài bay" B52 đã bị bắn rơi... Tổng cộng trong hơn 7 năm, tọa độ lửa Hàm Rồng khiến Mỹ mất 117 máy bay các loại, hàng chục phi công bị tiêu diệt, bắt sống.
Cầu Hàm Rồng đứng vững đến ngày 6/10/1972 mới bị đánh sập. Không quân Mỹ hôm đó huy động hơn 30 chiếc A7 chở theo bom laser tấn công Hàm Rồng. Một quả bom rơi trúng đích, hất nhịp cầu phía nam về phía thượng nguồn.
"An toàn suốt 7 năm rưỡi, Hàm Rồng là chiếc cầu được bảo vệ lâu nhất ở miền Bắc những năm chống Mỹ. Nó xứng đáng là địa danh được lịch sử lựa chọn...", cựu binh Lê Xuân Giang chia sẻ. Sau hiệp định Paris năm 1973, cầu được khôi phục.
Trung úy phi công Robecben, người lái chiếc F105 bị quân dân Hàm Rồng bắt sống mùa hè năm 1967 từng thú nhận khi được lệnh đi đánh cầu Hàm Rồng, "mọi người không ai được vui vì đã thoát chết hoặc nhìn thấy đồng đội không về ăn cơm... Chúng tôi vào buồng lái trong tình trạng lo âu và cầu Chúa".

Cầu Hàm Rồng ngày nay. Ảnh: Lê Hoàng
Âm mưu "biến cầu Hàm Rồng thành đống sắt vụn", hòng chặt đứt tuyến đường huyết mạch Bắc Nam của người Mỹ thất bại. Theo các tài liệu đã được công bố, chưa có cuộc chiến nào trong lịch sử nước Mỹ mà chỉ trong hai ngày họ bị thiệt hại số máy bay và người lái nhiều như vậy.
Chiến thắng Hàm Rồng có ý nghĩa quan trọng, giúp hậu phương miền Bắc giữ vững mạch máu lưu thông, không ngừng chi viện cho tiền tuyến, đóng góp to lớn vào đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Lê Hoàng
Tài liệu tham khảo:
- Hàm Rồng - Cuộc đụng đầu lịch sử, NXB Thanh Hóa, 2010
- Thanh Hóa - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Bộ Chỉ huy Quân sự Thanh Hóa, 1994
- Hàm Rồng - Sự lựa chọn lịch sử, Lê Xuân Giang, 2020
- 90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá (1930-2020) - Những dấu ấn nổi bật, NXB Thanh Hoá, 2020