Ông Lê Đình Nhiên, Tổ trưởng Tổ quản lý dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh, khẳng định không hề biết dưới lòng đất có đường ống cấp nước 200 ly. Trong hai tháng đào hầm, đơn vị thi công và đại diện 4 đơn vị giám sát hoàn toàn không phát hiện điểm vỡ nào. Đến khi công trình hoàn thành phần nền hạ, chuẩn bị trải bê tông bề mặt, thì từ lòng đường hầm, nước sạch đột nhiên tuôn chảy với áp lực mạnh. Có lúc mực nước cao xấp xỉ pô xe gắn máy.
Công ty Thanh niên Xung phong, chủ đầu tư, cho biết khi đường Nguyễn Hữu Cảnh gần vào giai đoạn hoàn tất, họ mới nhận ra điểm bất hợp lý: Dân cư hai bên muốn giao thông trên tuyến buộc phải vượt một dốc cao, quá nguy hiểm. Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh phải bổ sung thiết kế phần hầm chui (tháng 8/2001). Đại diện chủ đầu tư khẳng định, ở hạng mục mới phát sinh này, quy trình vẫn được thực hiện đầy đủ. Họ đã gửi văn bản đến cơ quan quản lý điện, bưu điện, cấp thoát nước, chiếu sáng để được cung cấp hồ sơ và hiện trạng lòng đường, hợp đồng di dời.
Trưởng chi nhánh cấp nước Gia Định Bùi Công Sơn phủ nhận. Theo ông, trong quá trình thiết kế, thi công đoạn hầm chui, ngành cấp nước không hề được chủ đầu tư công trình tham khảo ý kiến. Ngược lại, trong giai đoạn thi công nền móng, công nhân cấp nước từng nhiều lần phát hiện, sửa chữa các điểm vỡ ống thuộc phạm vi hầm chui. Họ đã lưu ý đơn vị thi công phải có biện pháp khắc phục vì đường ống hiện hữu quá cũ, khi tác động ở điểm này có thể gây vỡ nhiều điểm khác.
Hình thành một dòng sông
Đến ngày 22/1, sau gần một tháng phát hiện vỡ ống nước tại hầm Nguyễn Hữu Cảnh, tình trạng vẫn chưa được khắc phục. Trong biên bản lập ngày 24/1 với Chi nhánh cấp nước Gia Định, đại diện chủ đầu tư cho rằng, việc đào đường lên sửa chữa không thể tiến hành được vì ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của cầu và hầm.
Một cán bộ chi nhánh cấp nước Gia Định cho biết, mỗi ngày mất ít nhất vài chục mét khối nước từ điểm vỡ này, gây ảnh hưởng xấu đến nguồn nước cung cấp cho hàng trăm hộ dân. Còn đoạn đường hầm dài 45 m, ngang 10 m bị chìm trong nước. Mới đây, chủ đầu tư khắc phục bằng cách đổ một lớp đá dăm lên chỗ ngập, càng khiến việc đi lại khó khăn. Nhiều xe qua lại bị trượt, ngập nước và đành tắt máy.
Phương án khắc phục khả thi nhất, theo Chi nhánh cấp nước Gia Định, là cắt bỏ phần ống dưới hầm cầu. Kinh phí cho việc này mất 500-700 triệu đồng. Trường hợp lập phương án ngay bây giờ thì ít nhất là hai tháng sau mới triển khai được, với điều kiện các thủ tục phải được trình duyệt nhanh chóng. Trong khi chờ khắc phục sự cố, hàng nghìn mét khối nước sạch vẫn tiếp tục đổ xuống đường.
(Theo Tuổi Trẻ)