Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ tư, 8/10/2014, 09:33 (GMT+7)

Hầm bí mật được cho là nơi tướng Nguyễn Chí Thanh từng trú ẩn

Căn hầm bí mật, được xây dựng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp vừa được phát hiện ở thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) khơi lại những ký ức gắn liền với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Căn hầm được cho là nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trú ẩn, hội họp và chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) nằm trong căn nhà số 95A (cũ), nay là 191 Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa, TP Huế.

Theo ông Mai Ngân (85 tuổi), nguyên là đội viên tình báo Ban II (thuộc Ty công an tỉnh Thừa Thiên - Huế), đội viên Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ giai đoạn 1945-1946, căn hầm này được xây dựng khoảng năm 1946-1947, trong hoàn cảnh thực dân Pháp quay lại Việt Nam và đổ quân vào Huế.

Sợ địch phát hiện ra Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những chiến sĩ cách mạng khác, ông Hồ Diễn (một đại tư sản yêu nước chuyên kinh doanh vật liệu tạp hóa, chủ nhân ngôi nhà 95A) đã cho xây dựng căn hầm bí mật trong khuôn viên vườn nhà. 

Căn hầm được phát hiện dài 5 m, rộng 1,5 m và cao 1,2 m, nối với mặt đất bằng 4 bậc thang được xây bằng gạch đặc và xi măng kiên cố. Phần miệng hầm có dạng hình chữ nhật, rộng vừa đủ để một người chui lọt.

Khối bê tông dày gần 10 cm là điểm ngăn cách phía dưới hầm với phía trên mặt đất. Tường khối bao quanh hầm được thiết kế theo dạng ống chữ nhật.

Ông Mai Văn Huế (người được ủy quyền hương khói trong ngôi nhà 95A) nói, căn hầm có thể dùng cho 10 người trú ẩn một cách an toàn mà không bị phát hiện. Ông gia đình ông Huế tình cờ phát hiện ra căn hầm này khi tiến hành sửa chữa nhà.  Ông cho biết, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí trong Ủy ban kháng chiến đã nhiều lần hội họp tại đây.

Thời kỳ đó, con gái của ông Hồ Diễn là Hồ Thị Xuân Mai (hiện sống tại TP HCM) và Hồ Thị Xuân Nhạn (đã mất) được giao nhiệm vụ mở nắp hầm, cung cấp đồ ăn, thức uống cho những chiến sĩ cách mạng. Theo ông Huế, khi còn nhỏ, ông đã được cô ruột là bà Xuân Mai nhiều lần cho xuống hầm chơi nên ông còn nhớ rất rõ phía trên căn hầm được ngụy trang bằng một vườn hoa, nắp hầm có bình hoa che phía trên, hai bên hầm có hai cây hồng đào.

Một mảng tường phía trong hầm bị bong tróc để lộ ra lớp gạch đặc. Ông Huế nghi đây có thể là cửa để thông qua những căn hầm khác nhưng đã bị lấp lại.

Phần móng của căn hầm được xây bằng gạch đặc màu đỏ lộ ra khi gia đình đào bới. Một lỗ thông hơi được bố trí phía cuối bên phải căn hầm để lấy không khí từ ngoài vào trong và ngược lại.

Dãy nhà sau của ngôi  nhà 95A, nơi phát hiện ra căn hầm bí mật. Theo một số tài liệu của gia đình, ngôi nhà số 95A từng là nơi hội họp của Ủy ban kháng chiến và Ban tình báo Liên khu V trong suốt thời gian chống Pháp (1945-1954) với sự góp mặt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các ông Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Hữu Dực, Lê Tự Đồng, Bùi Sang, Hoàng Anh và Lê Chưởng.

Theo trí nhớ của ông Huế, phía trước hầm, bên dưới cầu thang ngôi nhà là kho cất giấu vũ khí như súng, đạn; còn phía sau cách đó khoảng 10 m là kho cất giấu vũ khí thô sơ như giáo, mác...

Khi nghe tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, gia đình bà Hồ Thị Xuân Mai đã lập bàn thờ Đại tướng để tỏ lòng tưởng nhớ. Năm 2012, người cháu của gia đình ông Huế cũng đã lập bàn thờ Đại tướng cùng bài vị tổ tiên. 

Phúc Nguyễn