Thứ hai, 27/1/2025
Thứ tư, 29/11/2023, 00:00 (GMT+7)

Hầm bí mật dài gần 100 m trong ngôi đình cổ ở TP HCM

Đình Phong Phú, TP Thủ Đức, được xây dựng cuối thế kỷ XIX, phía dưới chánh điện có đường hầm, từng là nơi trú ẩn của bộ đội trong chiến tranh.

Đình Phong Phú nằm trên con đường cùng tên ở phường Tăng Nhơn Phú B, xây dựng khoảng năm 1880, thờ Thành hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam.

Đình mang phong cách truyền thống của miền Nam, với các hạng mục chính theo trục dọc như cổng tam quan, vỏ ca, tiền điện, chánh điện. Đối xứng qua trục chính bên phải là nhà truyền thống, trái là nhà rửa rau quả.

Trong đình còn có đường hầm bí mật, được đào xong từ năm 1959, là nơi trú ẩn, thoát thân và cất giữ lương thực, vũ khí cho bộ đội.

Theo ông Phan Hải Nam, Phó hội trưởng đình, đường vào hầm lúc đầu ở dưới bàn thờ của chánh điện nhưng hiện bít lại, chỉ mở lối xuống ở phía ngoài đình. Trước kia, cửa hầm nguỵ trang nay được xây nổi, có cửa ra vào, mái che và bảng chỉ dẫn để người dân tiện tham quan.

Lối xuống hầm hình tròn, trước kia nguỵ trang thành miệng cống nhà tắm, rộng khoảng 40 cm, chỉ đủ một người lớn chui lọt. Hầm có bậc thang đi xuống, sâu khoảng 2 m.

Hầm dài gần 100 m, rộng khoảng 50 cm vừa đủ một người đi, độ cao từ 1,5 đến 1,7 m. Xung quanh hầm trát xi măng kiên cố. "Trong hầm giờ được lắp đèn, quạt thông gió nên khá thoáng, dễ dàng di chuyển", ông Nam nói.

Giữa hầm là khu vực rộng khoảng 2 m2, có xây bậc để ngồi, nghỉ ngơi, hội họp bí mật hoặc cất giữ vũ khí.

Trên nóc hầm có các lỗ thông hơi nhỏ, bên ngoài nguỵ trang bằng ụ mối.

Thành hầm có gắn các móc sắt để treo võng nghỉ ngơi trong khi trú ẩn.

Lối thoát hầm dẫn ra khu rừng cây rậm rạp, cách đình khoảng 100 m. Trước kia lối thoát này được nguỵ trang bằng ụ mối (góc phải).

Một lỗ thông hơi trong rừng cây, hiện đã được xây gạch kiên cố để tiện tham quan, bảo tồn.

Chánh điện vẫn giữ nét cổ kính sau nhiều lần tu sửa. Trên nóc mặt tiền đình có trang trí lưỡng long tranh châu khảm sành nhiều màu.

Bên trong đình thờ Thành hoàng, hai bên là bàn thờ Tả ban, Hữu ban (những tướng sĩ đi theo hộ vệ thần). Phía sau sát vách tường có bàn thờ Tiên hiền và Hậu hiền, là những người có công khai lập và đóng góp công sức cho làng Phong Phú.

Xung quanh khám thờ trang trí bằng những bao lam gỗ chạm lộng lẫy, trên tường và cột có nhiều bức hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng rực rỡ.

Đình Phong Phú nằm trong khu đất rộng hơn 4 ha, bao quanh bởi rừng cây có từ lâu đời.

Lễ Kỳ Yên là lễ chính của đình Phong Phú, diễn ra ngày 14 đến 16 tháng 11 âm lịch thường niên. Đây là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong những ngôi đình ở miền Nam. Năm 1993, đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net