Thứ ba, 14/1/2025
Chủ nhật, 15/8/2021, 14:32 (GMT+7)

Haiti tan hoang sau động đất

Động đất khiến nhiều công trình ở Haiti bị phá hủy, số người chết và bị thương có thể tiếp tục tăng, bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải.

Ít nhất 304 người chết và hàng trăm người bị thương sau khi một trận động đất 7,2 độ ngày 14/8 xảy ra ở phía tây nam Haiti, biến nhà thờ, khách sạn, trường học và nhà dân thành những đống đổ nát.

Trận động đất, sau đó là một loạt dư chấn, có tâm chấn ở độ sâu 10 km, cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 150 km về phía tây, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.

Trong ảnh, người dân bước qua những ngôi nhà bị đổ sập ở thành phố Les Cayes.

Oxiliene Morency không giấu nổi nỗi đau khi thi thể cháu gái, Esther Daniel, 7 tuổi, được tìm thấy trong đống đổ nát sau khi ngôi nhà của bà bị sập do động đất ở Les Cayes.

Lực lượng cứu hộ đang tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm người sống sót.

"Nhiều ngôi nhà bị phá hủy, nhiều người đã thiệt mạng và một số đang phải điều trị tại bệnh viện", Christella Saint Hilaire, 21 tuổi, người dân sống gần tâm chấn, nhớ lại. "Tôi đang ở trong nhà mình khi mặt đất bắt đầu rung chuyển. Tôi ngồi gần cửa sổ và nhìn thấy mọi thứ rơi xuống đất".

Khách sạn Hotel Le Manguier ở Les Cayes nhìn từ trên cao.

Thủ tướng Ariel Henry, người đang lãnh đạo chính phủ lâm thời, đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước. Ông đồng thời kêu gọi mọi nỗ lực hỗ trợ từ quốc tế nên liên hệ với trung tâm điều hành tình trạng khẩn cấp quốc gia Haiti để "tìm hiểu xem chúng tôi cần gì".

Ít nhất ba khu vực đô thị ở phía nam Haiti, gồm Jeremie, Les Cayes và Baradères chịu thiệt hại nghiêm trọng. Lượng cuộc gọi quá nhiều đã làm tắc nghẽn đường dây vào buổi sáng nhưng nhìn chung cơ sở hạ tầng liên lạc tại khu vực vẫn hoạt động bình thường.

Những tòa nhà bị hư hại ở Jeremie, thành phố với 30.000 dân ở tây nam Haiti.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã phát cảnh báo sóng thần, cho biết sóng có thể cao tới ba mét dọc theo bờ biển Haiti. Tuy nhiên, cảnh báo được dỡ bỏ không lâu sau đó.

Theo lời Tamas Jean Pierre, cư dân Jeremie, cảnh báo sóng thần khiến nhiều ông bố bà mẹ "phải bế con trên tay tháo chạy". "Tất cả mọi người đều hoảng sợ", anh nói.

Nhà chức trách cho biết người dân đang đổ về các bệnh viện, gây quá tải ở nhiều nơi. Họ chở người bị thương trên xe hơi hay trên thùng xe bán tải. Những người hàng xóm cũng chung tay hỗ trợ nhân viên cứu hộ, cố gắng đào bới trong đống đổ nát và đánh sập tường để tiếp cận người bị mắc kẹt.

Người dân tìm kiếm người sống sót bên dưới đống đổ nát của một ngôi nhà ở Les Cayes.

Silvera Guillaume, điều phối viên bảo vệ dân sự của thành phố cho biết các nguồn lực của cộng đồng đang bị quá tải.

"Tình cảnh vô cùng thảm khốc, nhiều người chết. Đến giờ vẫn còn người dưới đống đổ nát", Guillaume nói. "Chúng tôi đã cử cứu hộ đến hỗ trợ nhưng chúng tôi không có đủ người".

Améthyste Arcélius, quản lý bệnh viện lớn nhất Les Cayes, cho hay cơ sở của họ hiện không thể xử lý toàn bộ những người bị thương tìm đến và đang rất cần thêm nhân sự, thuốc men.

"Có quá nhiều nạn nhân", Arcélius nói. "Bệnh viện cần thuốc khẩn cấp, chuyên gia y tế thuộc mọi lĩnh vực. Rất nhiều người đang đổ về. Bệnh viện tràn ngập bệnh nhân. Chúng tôi đang yêu cầu giúp đỡ".

Người đàn ông thu dọn những gì còn lại tại ngôi nhà của mình ở Les Cayes.

Các chính phủ nước ngoài đã có những phản ứng đầu tiên trước cuộc khủng hoảng. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt hỗ trợ "ngay lập tức" cho Haiti. "Ở vào một thời điểm vốn đã rất khó khăn với người dân Haiti, tôi vô cùng đau buồn vì trận động đất kinh hoàng vừa xảy ra", Tổng thống Biden nói, thêm rằng Mỹ đã sẵn sàng "đánh giá thiệt hại và trợ giúp những người bị thương cũng nhưng những người phải xây dựng lại cuộc sống".

Thủ tướng Canada Junstin Trudeau trong khi đó nhấn mạnh Canada "sẵn sàng hỗ trợ" Haiti bằng mọi cách có thể.

Người dân tụ tập bên ngoài khách sạn Petit Pas Hotel bị đổ sập do động đất.

Một phụ nữ bị thương được chuyển bằng máy bay từ Les Cayes đến thủ đô Port-au-Prince.

Thảm họa mới nhất được cho là sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Haiti, quốc gia đã phải chiến đấu với đói, nghèo, bạo lực và vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ sau trận động đất kinh hoàng năm 2010 khiến hơn 200.000 người chết và 300.000 người bị thương.

Sau khi bị tàn phá bởi cơn bão Matthew hồi năm 2016, 1,4 triệu người dân Haiti đã phải xin hỗ trợ nhân đạo.

Ảnh: AP, Reuters