Trước đó, bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm dạ dày, kê toa thuốc về nhà uống. Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân bị nổi ban đỏ ngoài da, sưng nề mặt; ngừng uống thuốc thì tình trạng này giảm. Bác sĩ tư vấn qua điện thoại có thể bệnh nhân bị dị ứng thuốc, yêu cầu đến viện kiểm tra. Vào khoa Cấp Cứu và Chống Độc, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương sáng 13/5, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn, mạch, huyết áp bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Thủy khám, nhận định bệnh nhân dị ứng với các thành phần có trong thuốc chữa viêm dạ dày, chỉ định tiêm tĩnh mạch một ống Dimedrol, một lọ Methylprednisolon. Sau tiêm khoảng 20 phút, tình trạng dị ứng của bệnh nhân tăng, xuất hiện thêm mẩn ngứa nhiều vùng mặt, phù nhẹ môi.
Nhận định bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ với các thuốc chống dị ứng vừa sử dụng, có triệu chứng phù quincke (phù mạch), bác sĩ Thủy tiếp tục chỉ định tiêm một ống Dimedrol và 1/2 ống Adrenalin. Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, trả lời đúng các câu hỏi của bác sĩ. Khoảng hai phút sau, người phụ nữ mệt, khó chịu, choáng váng, chóng mặt và gần như ngay lập tức rơi vào tình trạng sốc, chân tay co quắp, tím tái, hai mắt trợn ngược, chỉ số độ bão hòa oxy động mạch tụt dần. Mạch đập rời rạc rồi ngừng hẳn.
Bác sĩ Hà Diệu Thúy phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp, báo động đỏ toàn bệnh viện. Toàn bộ kíp trực đã được huy động để cấp cứu. Bệnh nhân được ép tim liên tục, sốc điện, đặt nội khí quản, thở máy PEEP cao, tiêm thuốc vận mạch liều cao. Sau gần một giờ ép tim, cấp cứu liên tục, bệnh nhân có mạch trở lại nhưng yếu, rời rạc, hôn mê sâu.
Kết quả hội chẩn toàn viện nhận định đây là trường hợp phản vệ nguy kịch. Ba loại thuốc đã sử dụng đều đúng phác đồ của Bộ Y tế nhưng người bệnh không hồi phục mà diễn biến xấu, tiên lượng rất nặng, nguy cơ cao tử vong.
Từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giáo sư Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực đồng thời là Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, phối hợp hội chẩn cho bệnh nhân. Các bác sĩ thống nhất chuyển bệnh nhân về Hà Nội để can thiệp càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cùng ê kip chuyển bệnh nhân về Hà Nội. Một xe cứu thương với đầy đủ các trang thiết bị hồi sức gồm máy thở, máy sốc tim, monitor, thuốc... sẵn sàng để cấp cứu bệnh nhân trên xe. Ở chiều ngược lại, kíp cấp cứu từ bệnh viện Bạch Mai khởi hành với bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực, mang các thiết bị hiện đại hơn về Phú Thọ. Đầu giờ chiều cùng ngày, hai xe cấp cứu gặp nhau ở địa phận thị xã Phú Thọ, bệnh nhân được chuyển sang xe của Bạch Mai tiếp tục về Hà Nội. Một giờ sau, bệnh nhân được đưa vào khoa hồi sức Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng gần như mạch không, huyết áp không…
Các chuyên gia hàng đầu của Bạch Mai đã chuẩn bị sẵn, lập tức hồi sức cho bệnh nhân, sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài (ECMO) lọc máu liên tục. Suốt hai ngày, bệnh nhân vẫn trong tình trạng cực kỳ nguy kịch, các chỉ số xét nghiệm biến loạn không cải thiện. Đến chiều 16/5, may mắn tim của bệnh nhân đập trở lại, các chỉ số sống diễn biến theo hướng tích cực. Bệnh nhân đã có những tín hiệu đáp ứng của hệ thần kinh. Hiện, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai.
Phạm Văn Học