Ngày 21/2, Tòa án Tối cao Mỹ bắt đầu phiên tranh luận giữa gia đình Gonzalez và Google. Trong khi đó, vụ kiện có tên Twitter v. Taamneh sẽ diễn ra ngày mai.
Tâm điểm trong cả hai vụ là Điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ, vốn bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube tránh khỏi kiện cáo. Theo luật, các website hoặc dịch vụ lưu trữ nội dung không phải chịu trách nhiệm hay gặp rắc rối pháp lý với thông tin do người dùng đăng lên, chẳng hạn phần bình luận trong các trang tin tức, dịch vụ video, mạng xã hội.
Các hãng công nghệ Mỹ từ lâu coi Điều 230 là tấm khiên bảo vệ quan trọng, dù gây tranh cãi. Theo CNN, kết quả của hai vụ kiện có thể thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua này.
Gia đình Gonzalez kiện Google
Năm 2016, gia đình của Nohemi Gonzalez, người thiệt mạng trong một cuộc tấn công của IS ở Paris năm 2015, khởi kiện YouTube - dịch vụ video của Google, Facebook, Twitter và một số mạng xã hội khác vì đề xuất video khủng bố trên nền tảng của mình.
Ông Reynaldo Gonzalez, cha của Nohemi, cáo buộc Google và các mạng xã hội khác "cố ý cho phép" các nhóm khủng bố truyền bá tư tưởng xấu, gây quỹ hoặc tuyển quân cho chúng thông qua các nền tảng kể trên.
Trong khi đó, phía Google và các công ty công nghệ khác dẫn Điều 230 để bảo vệ mình. Họ cho rằng vấn đề liên quan đến xếp hạng, phân loại và quản lý nội dung trực tuyến - tính năng cơ bản của Internet hiện đại.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng quan tâm đến vụ kiện. Bản tóm tắt được đệ trình lên Tòa án Tối cao Mỹ tháng 12/2022 nói Điều 230 bảo vệ Google và YouTube khỏi các vụ kiện vì không xóa nội dung của bên thứ ba, gồm nội dung mà YouTube đã đề xuất. Tuy nhiên, những biện pháp bảo vệ đó không mở rộng cho các thuật toán đề xuất của Google - thứ đại diện cho chính Google, không phải từ bên thứ ba.
Vụ kiện Taamneh
Theo CNN, vụ Twitter v. Taamneh sẽ quyết định liệu các công ty truyền thông xã hội có thể bị kiện vì hỗ trợ hoặc tiếp tay cho một hành động khủng bố cụ thể hay không.
Nguyên đơn trong vụ kiện là gia đình của Nawras Alassaf, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của IS ở Istanbul năm 2017. Gia đình đã khởi kiện Twitter và một số công ty khác, tố các nền tảng này vi phạm luật chống khủng bố bằng cách cố tình hỗ trợ IS. Theo đơn kiện, Twitter đã cho phép hiển thị một số nội dung của các nhóm khủng bố thay vì hạn chế chúng như chính sách đã đưa ra.
Phía Twitter cho biết IS đã sử dụng nền tảng của công ty như bao người dùng khác và tự quảng cáo các nội dung trên đó. Do đó, mạng xã hội sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý theo luật chống khủng bố. Twitter cũng viện dẫn Điều 230 để miễn trừ trách nhiệm khỏi vụ kiện.
Internet có thể thay đổi
Theo giới chuyên gia, hai phiên tòa trên có thể khiến môi trường Internet biến đổi mạnh mẽ thời gian tới, nếu Điều 230 bị sửa đổi.
Việc điều chỉnh Điều 230 đã được Quốc hội Mỹ tính đến từ lâu nhưng vấp phải tranh cãi lớn. Các nhà lập pháp lo ngại luật miễn trừ giúp lan truyền, quảng bá nội dung có hại đến nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, đồng thời tiếp tay cho các công ty bỏ qua thông tin sai lệch và nguy hiểm.
"Có khả năng những vấn đề này đặt Tòa án Tối cao Mỹ vào vị trí phải viết lại nền tảng pháp lý của Internet", một chuyên gia nhận định trên WSJ. "Hệ sinh thái Internet đã trở thành nơi sinh sản của một loạt tệ nạn xã hội, từ ngôn từ kích động thù địch đến rối loạn ăn uống, phần lớn là do lá chắn miễn dịch từ 1996".
"20 năm sau, chúng ta thức dậy và Internet không còn tốt đẹp nữa", Hany Farid, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California, nói. "Đã đến lúc bắt đầu nghĩ về cách làm cho Internet trở thành nơi văn minh hơn".
Dù vậy, việc thay đổi Điều 230cũng gây ra làn sóng lo lắng trong ngành công nghiệp Internet. Trong vụ kiện Google, các công ty khác như Meta, NetChoice, Microsoft đã đồng loạt nêu ý kiến phản đối. Theo họ, các nền tảng "chắc chắn sẽ phải cắt giảm đáng kể nội dung trên dịch vụ của mình, kể cả những thứ không có tiềm năng vi phạm".
Jeff Kosseff, tác giả cuốn The Twenty Six Words That Created the Internet, nhận định việc giới hạn Điều 230 sẽ kìm hãm sự phát triển sức sáng tạo của Internet. "Các nền tảng buộc phải cảnh giác với việc đề xuất nội dung được cá nhân hóa", Kosseff nêu.
Sau các phiên tranh luận, phán quyết đầu tiên của tòa sẽ được đưa ra cuối tháng 6.
Bảo Lâm