Trưa giữa tháng 5, thoáng thấy chiếc lưng còng của ông Huỳnh Văn Ngôn làm nghề nhặt ve chai, vợ ông Sáng - bà Ngô Ngọc Thảo (43 tuổi) liền bới cơm và thức ăn vào hai hộp để sẵn. Cụ ông vừa bước đến, bà hỏi han đôi câu về công việc rồi mở chiếc giỏ của ông để hai phần cơm vào ngay ngắn.
Ông Ngôn cho biết hàng ngày đều đến đây lấy cơm trưa từ thiện. "Cơm ở đây ngon lắm. Chú thiếm có tấm lòng thơm thảo với người khó khăn là rất quý", ông nói. Cụ ông vừa cám ơn vừa cười thật tươi rồi hòa vào dòng người và xe cộ tiếp tục mưu sinh.
Nép mình bên cầu Kênh Cụt, gian nhà mái tôn với biển hiệu "Cơm từ thiện, quần áo từ thiện" của vợ chồng ông Sáng trở thành nơi lui tới mỗi ngày của nhiều cô bác bán vé số, người làm thuê khó khăn.
Hàng ngày, hai vợ chồng ông Sáng chẳng ai bảo ai, miệt mài các phần việc của mình. Chiều chiều ông chạy quanh chợ Cao Lãnh nhận các phần rau, củ quả của tiểu thương cho. Hôm nào dư dả nguồn thực phẩm quyên góp ông liên hệ những nơi nấu cơm từ thiện khác để san sẻ.
Còn vợ ông từ sáng sớm đã thức dậy nấu cơm, chế biến thực phẩm. Khoảng 10h công việc hoàn tất, quán ăn cũng đã dọn dẹp sạch sẽ, từng lượt người lao động, người khó khăn sẽ đến nhận bữa trưa.
Quê ở Cần Thơ, không đất đai, hơn 10 năm trước, vợ chồng ông dắt ba con sang Đồng Tháp ở trọ, làm thuê. Những nằm đầu lang bạt xứ người, họ bươn chải lo cho ba con học hành. Lắm lúc thiếu trước hụt sau, túng quẫn, vợ chồng ông nhận được những phần gạo của các mạnh thường quân. Từ chính cảnh nghèo khó của bản thân, ông Sáng nung nấu ý định làm việc thiện của mình khi có điều kiện.
Ông Sáng nhớ như in ngày 1/7 cách đây 5 năm. Ông gọi hết vợ và các con quây quần bên mâm cơm rồi chia sẻ nguyện ước làm từ thiện của bản thân. Thời gian ấy gia đình chỉ vừa thoát khỏi cảnh nghèo túng, việc thuê sân bóng kinh doanh của ông cũng đi vào ổn định chưa lâu. Dẫu vậy cả gia đình đều gật đầu đồng lòng.
Ban đầu họ nấu một nồi cơm nhỏ chừng 5 lít gạo, các món ăn chay. Ông Sáng mang các hộp cơm đến các chợ, những con đường hay tập trung người bán vé số, người cơ nhỡ, các công trình có nhiều thợ hồ, bốc vác.
Việc làm của vợ chồng ông ban đầu nhận được ánh mắt nghi ngại của nhiều người, thậm chí có người còn chửi ông "khùng". Vì vợ chồng ông cũng chẳng giàu có, dư dả gì, cớ sao lại rộng lòng giúp đỡ người nghèo khó. Sau đó, cứ thấy ông làm việc thiện năm này sang năm khác mà chẳng thấy vụ lợi gì cho bản thân, cộng đồng dần khâm phục rồi cảm mến. Đến nay đã có nhiều người có tấm lòng thiện nguyện xin phụ ông bà một tay. Quy tụ được nhiều người, việc phát cơm cũng được mở rộng từ vài chục hộp ban đầu lên vài trăm hộp mỗi ngày.
Nhận thấy việc mang đến nơi không phải giải pháp lâu dài, vợ chồng ông quyết định thuê mặt bằng mở quán cơm từ thiện, chỉ dành một khoảnh nhỏ làm nơi sinh hoạt của gia đình. Tiền thuê nhà 3,5 triệu đồng, điện nước được vợ chồng ông tiện tặn từ việc buôn bán nước giải khát, rửa xe.
Được nhiều người ngợi khen ông Sáng cười bảo chẳng có gì to tát. "Vợ chồng tui bỏ cái tâm ra làm, sau đó cô bác cùng chí hướng phụ giúp. Người cho củi, người cho rau, củ quả, tàu hủ, người một tay, một chân giúp sức chứ một mình vợ chồng tui không làm được đâu", ông nói.
Nhưng để bếp ăn đỏ lửa mỗi ngày họ đã phải vượt qua không ít thử thách. Từ những lời gièm pha, bóng gió, đến việc kinh doanh sân bóng của ông bỗng dưng khó khăn, phải nghỉ. Không có nguồn tiền xoay xở ông bà vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. "Tui nguyện ơn trên, cho vợ chồng tui sức khỏe, sẽ dốc hết mình để làm thiện nguyện. Có bao nhiêu, tui làm bấy nhiêu. Chứ đợi lúc mình giàu có, no đủ thì biết khi nào mới được như ý nguyện", vợ ông Sáng nói.
Có một điều đặc biệt ở quán cơm từ thiện của ông Sáng là không hề có thùng tiền quyên góp. Ông quan niệm phát cơm miễn phí mà để thùng tiền quyên góp có khác nào hình thức kinh doanh và sẽ làm những người đến lấy ngại ngần.
Từ ngày Covid-19 diễn biến phức tạp quán cơm của ông Sáng chuyển sang biếu mang đi, không phục vụ tại chỗ. Sự thay đổi của ông Sáng hoàn toàn tự giác chứ không để chính quyền địa phương nhắc nhở. Ông bảo làm thiện nguyện thì càng phải thể hiện trách nhiệm phòng chống dịch với cộng đồng.
Cuối năm 2020, vợ chồng ông đã nhận được thư khen của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). "Tôi vui mừng được biết ông Lâm Văn Sáng là tấm gương trong hoạt động thiện nguyện, đóng góp, hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống... Thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy và tình cảm cá nhân tôi biểu dương những việc làm ý nghĩa của ông đối với công tác an sinh xã hội địa phương", thư viết.
Ông Sáng nói bản thân không đụng đến cà phê, rượu bia, hay thuốc lá. Cuộc sống ông khá giản dị, ngày làm việc đến 18h sẽ đóng cửa để cả gia đình nghỉ ngơi. Không muộn phiền, không tính thiệt hơn với đời, với ông càng cho đi thì ông càng thấy mình hạnh phúc. "Cuộc đời biết đủ là đủ cô ơi", ông nói.
Phúc Điền