Tỷ phú Fridman, 57 tuổi, sinh ra ở miền tây Ukraine, trong thư gửi nhân viên hôm 27/2 đã nói cuộc xung đột tại Ukraine đang chia rẽ quan hệ giữa người Slav đang sống ở Nga và Ukraine, những người là anh em trong nhiều thế kỷ.
"Tôi sinh ra ở phía tây Ukraine và sống ở đó tới năm 17 tuổi. Bố mẹ tôi là người Ukraine và sống ở Lviv, thành phố mà tôi yêu mến", tỷ phú giàu thứ 128 thế giới trong bảng xếp hạng năm 2021 của Forbes, hiện sở hữu khối tài sản 11,7 tỷ USD, nói.
"Nhưng tôi cũng dành phần lớn cuộc đời mình sống với tư cách là công dân Nga, xây dựng và phát triển công việc kinh doanh. Tôi gắn bó sâu sắc với người Ukraine và người Nga. Tôi nhận thấy cuộc xung đột hiện nay là thảm kịch cho người dân hai nước".
Tỷ phú Nga Oleg Deripaska, 54 tuổi, đăng bài trên Telegram, kêu gọi đàm phán hòa bình "càng nhanh càng tốt". Ông là người giàu thứ 775 thế giới theo bảng xếp hạng năm 2021 của Forbes, hiện sở hữu tài sản trị giá 4 tỷ USD.
"Hòa bình vô cùng quan trọng", tỷ phú sáng lập tập đoàn nhôm khổng lồ Rusal của Nga, bày tỏ. Hôm 21/2 ông từng nói không nên phát sinh xung đột.
Washington áp lệnh trừng phạt lên Deripaska và những người Nga có ảnh hưởng khác vì có quan hệ với Tổng thống Nga Putin sau cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, điều Moskva luôn phủ nhận.
Những người được gọi là giới tài phiệt Nga, người từng có ảnh hưởng đáng kể với cựu tổng thống Boris Yeltsin vào những năm 1990, đang đối mặt với chao đảo kinh tế sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với Nga vì mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Cuộc khủng hoảng này sẽ cướp đi nhiều mạng sống và hủy hoại mối quan hệ giữa hai dân tộc là anh em suốt hàng trăm năm nay", Fridman nói. "Dù chưa có giải pháp nào vào hiện tại, tôi chỉ có thể tham gia cùng những người mong muốn chấm dứt đổ máu. Tôi chắc chắn các đối tác đều đồng quan điểm với tôi".
Pyotr Aven, một trong những đối tác lâu năm của Fridman, đã tham dự cuộc họp tại Điện Kremlin với Tổng thống Putin và 36 doanh nhân lớn khác của Nga tuần trước.
"Cuộc xung đột sẽ là thảm họa về mọi mặt về kinh tế, quan hệ với các nước còn lại trên thế giới, tình hình chính trị", một tỷ phú giấu tên khác ở Moskva bày tỏ.
Ông cho biết những người dự cuộc họp với Putin hôm 24/2 đều im lặng. "Giới kinh doanh hiểu rất rõ hậu quả. Nhưng ai hỏi ý kiến họ?"
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang ngày thứ năm. Ukraine cho biết lực lượng của họ đã đẩy quân Nga ra khỏi Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở miền đông đất đất, trong khi một số quốc gia gồm Ba Lan, Hy Lạp viện trợ quân sự cho Kiev. Nga có thể đổi chiến thuật sau khi đà tiến quân chậm lại vì vấp phải "kháng cự dữ dội từ quân đội Ukraine", cũng như đối mặt thách thức về hậu cần.
Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ cung cấp thêm nhiều vũ khí hạng nặng, trong đó có cả tiêm kích, cho Ukraine, đồng thời cấm toàn bộ máy bay Nga vào không phận.
Bộ Nội vụ Ukraine ngày 27/2 thông báo 352 dân thường nước này thiệt mạng, trong đó có ít nhất 14 trẻ em, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự. 1.684 người bị thương, trong đó có 116 trẻ em. Nga hôm qua lần đầu tiên thừa nhận quân đội nước này hứng chịu thương vong trong chiến dịch quân sự, song không công bố con số chi tiết.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)