Con hải tượng phương nam chưa trưởng thành được bắt gặp trên bãi biển Dalawella gần thị trấn Unawatuna phía nam Sri Lanka hôm 20/11. Nhiều người dân địa phương và các cán bộ Cơ quan Bảo tồn Động vật hoang dã đã ghi hình con vật sau khi nhận được thông báo từ Hải quân Sri Lanka.
Asha de Vos, nhà sinh vật học hải dương chuyên nghiên cứu cá voi xanh ở Sri Lanka, đang theo dõi con hải tượng và cập nhật tình trạng của nó. Hôm 23/11, cô ghi chú con vật vẫn ở Sri Lanka, có vẻ như đang "nằm nghỉ nhưng bị thương". Tuy nhiên, Asha không còn trông thấy nó từ hôm sau đó và không biết hiện giờ nó đang ở đâu.
Hải tượng phương nam là loài hải cẩu lớn nhất thế giới, con đực có thể dài đến 4 m. Chúng có thể lặn cực sâu tới 2.100 m. Tên gọi của chúng bắt nguồn từ chiếc mũi lớn bất thường và cơ thể đồ sộ. Các nhà nghiên cứu không rõ con hải cẩu ở Sri Lanka là đực hay cái bởi kích thước cơ thể cho thấy nó chưa trưởng thành. Hải tượng đực không phát triển chiếc mũi giống vòi voi trước khi giao phối thành thục và con cái không có bộ phận này.
Loài vật sinh sống theo ba quần thể ở vùng biển Nam Cực và cận Nam Cực. Quần thể lớn nhất phân bố ở Nam Đại Tây Dương trong khi hai quần thể còn lại cư trú ở các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương và Nam Ấn Độ Dương.
Quần thể hải tượng sống gần Sri Lanka nhất tập trung trên đảo Kerguelen. Dù hòn đảo ở cách hơn 6.200 km, có thể con hải tượng bơi theo những dòng hải lưu trên biển. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa rõ lý do nó thực hiện chuyến đi.
"Hải cẩu là loài bơi lội rất tích cực, nhưng thật khó đoán tại sao con hải tượng này bỏ môi trường sống tự nhiên và bơi xa về phương bắc tới vậy. Nó trông có vẻ kiệt sức và bò vào bãi biển để nghỉ ngơi", Asha cho biết.
Dù đây là lần đầu tiên hải tượng phương nam được bắt gặp ở Sri Lanka, chúng đôi khi bơi lạc tới Bắc Bán cầu. Theo nghiên cứu trên tạp chí Marine Mammal Science, ngư dân từng bắn chết một con hải tượng phương nam ở ngoài khơi Oman thuộc bán đảo Arab. Hải tượng không phải loài nguy cấp do số lượng vẫn ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo tồn đang chú ý tới nguy cơ mất nơi sinh sản do băng tan, có thể đe dọa tỷ lệ sinh sản của loài này trong tương lai.
An Khang (Theo IFL Science)