Từ sáng sớm, cô Lại Thị Phương Thảo, Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có mặt tại phòng họp hội đồng của trường để kiểm tra, rà soát hệ thống máy chủ, xem lại bảng phân công nhiệm vụ giáo viên trước khi bước vào ngày kiểm tra online thứ ba.
Từ ngày 10/5 đến 14/5, trường chuyên Ngoại ngữ lần đầu tiên thử nghiệm kiểm tra học kỳ II online. Cô Thảo cho biết ban đầu trường khá dè dặt, nhưng trước yêu cầu đổi mới và thích ứng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Ban giám hiệu quyết định thử nghiệm tại một số môn, gồm: Giáo dục công dân, Hóa học, Vật lý (khối 10 và 11), Lịch sử, Địa Lý (khối 11).
Vì chỉ có ít ngày chuẩn bị, nhà trường ưu tiên chọn những môn có thể thiết kế câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm nhiều phương án. Những môn yêu cầu kỹ năng viết, trình bày như Toán, Văn và Ngoại ngữ 1 (môn chuyên) sẽ kiểm tra sau, vừa để theo dõi tình hình dịch bệnh, vừa để hoàn thiện và nâng cấp hệ thống kỹ thuật.
Khi quyết định kiểm tra online, trường chuyên Ngoại ngữ cho rằng có hai nhóm công việc chính cần hoàn thành. Thứ nhất là tìm kiếm nền tảng công nghệ phù hợp. Cô Thảo cho rằng thầy trò rất may mắn khi được thụ hưởng tài nguyên của Đại học Ngoại ngữ. "Học sinh đã được cấp tài khoản, mật khẩu trên phần mềm MS Teams từ những lần học online trước đó nên nền tảng công nghệ thông tin của trường được đồng bộ hóa, khá chủ động, dễ dàng", cô nói.
Bài thi được thiết kế với giao diện dễ sử dụng với đồng hồ đếm ngược ở góc màn hình máy tính. Học sinh lựa chọn đáp án, khi hoàn thành sẽ bấm nộp bài hoặc hệ thống tự động nộp khi hết giờ. Điểm bài thi sẽ được hệ thống chấm ngay sau khi kết thúc, giảm một phần công việc cho giáo viên so với trước kia.
Thứ hai, về khía cạnh chuyên môn, mỗi giáo viên bộ môn được yêu cầu chuyển câu hỏi dạng word, vốn để in ra cho học sinh làm tại lớp, sang dạng trắc nghiệm với nhiều phương án lựa chọn. Số lượng câu hỏi mỗi giáo viên cần hoàn thiện khoảng vài chục, sau đó chuyển cho bộ phận kỹ thuật để đưa vào phần mềm.
Ngoài ra, để ngăn việc học sinh tra cứu trên Google, những câu hỏi có thể dễ dàng tìm kiếm đáp án trên mạng được hạn chế trong đề thi. Lãnh đạo trường chuyên Ngoại ngữ đánh giá, vì đã quen với thiết kế các câu hỏi kiểm tra 15 phút và một tiết, giáo viên không gặp nhiều khó khăn trong công đoạn này.
Để tránh học sinh gian lận, trường chuyên Ngoại ngữ ban hành quy chế, quy định được và không được làm gì. Theo đó, các em được yêu cầu mặc đồng phục, bật camera để giám thị giám sát. Trường cũng bố trí đội ngũ thanh tra, pháp chế và nhân viên kỹ thuật để đảm bảo giờ kiểm tra diễn ra suôn sẻ, nghiêm túc.
Cô Thảo cho biết thêm, MS Teams còn có tính năng đảo đề. Dù học sinh cùng làm chung một đề, thứ tự câu hỏi và các phương án lựa chọn sẽ khác nhau giữa từng em, hạn chế việc bàn bạc, cho nhau chép bài.
Trước chuyên Ngoại ngữ, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã kiểm tra online được 3 năm nay. Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm chia sẻ, để hiện thực hóa ý tưởng này, Ban giám hiệu đã mất nhiều thời gian suy nghĩ, lên kế hoạch, bắt đầu từ việc tìm kiếm đối tác cung cấp nền tảng công nghệ thông tin.
Những ngày đầu khi chưa có hệ thống hoàn chỉnh, trường Phan Huy Chú và đơn vị kỹ thuật bàn thảo về cách thức triển khai. Giáo viên sẽ đưa ra ma trận đề thi gồm đơn vị kiến thức, mức độ, yêu cầu kỹ năng, sau đó chuyển cho kỹ thuật. Đề thi của trường được thiết kế theo hướng tiếp cận năng lực, tư duy để học sinh không học vẹt. Sau nhiều năm, ngân hàng đề thi online với hàng trăm câu hỏi của trường đã tương đối dày dặn, hoàn thiện ở tất cả môn.
Thầy Nhâm cho biết, học sinh được cấp tài khoản mang tính định danh, sau đó truy cập vào hệ thống để làm bài. Đề thi sẽ được đảo thứ tự câu và phương án trả lời giữa từng em, tránh quay cóp, gian lận. Sau khi học sinh hoàn thành bài thi, hệ thống sẽ thống kê thời gian và kết quả từng bài, từ đó giáo viên có số liệu tổng quát để đánh giá học sinh. "Kết quả thi online đạt chất lượng tương tự kiểm tra trực tiếp trên lớp", thầy Nhâm đánh giá.
Với những trường bắt đầu hoặc mong muốn áp dụng kiểm tra online, Hiệu trưởng trường Phan Huy Chú - Đống Đa cho rằng điều tiên quyết là cần hệ thống phần mềm mang tính đồng bộ cao. Các trường có thể liên hệ với những đơn vị kỹ thuật đã có kinh nghiệm, đơn cử đội ngũ đã xây dựng hệ thống kiểm tra online cho trường Phan Huy Chú. Khi đó, các trường có thể tiếp cận sản phẩm đã tương đối hoàn thiện, hoạt động ổn định và có sẵn ngân hàng câu hỏi.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác trong việc kiểm tra online được thầy Nhâm nhấn mạnh là trình độ của giáo viên. Thầy hiệu trưởng đánh giá, riêng về công nghệ thông tin, một vài cá nhân xuất sắc không thể giúp trường chuyển mình và bắt nhịp với xu thế mới mà đòi hỏi sự đồng bộ, toàn diện. "Giáo viên cần được tập huấn, nâng cao trình độ và đều có thể sử dụng công nghệ này. Mọi thứ cần được được đặt trong một hệ sinh thái", thầy nói.
Về chi phí, thầy Nhâm cho biết phía nhà cung cấp có từng gói với những tiện ích khác nhau. Các trường cần dựa trên nhu cầu và tiềm lực để đưa ra lựa chọn phù hợp. Thông thường, chi phí mua phần mềm khoảng vài chục triệu đồng một năm, bù lại tiền văn phòng phẩm như mực in, máy in và giấy A4.
Vì Covid-19, học sinh tạm dừng đến trường từ đầu tháng 5, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa tiếp tục cho khối 10 và 11 kiểm tra online toàn bộ môn học, riêng khối 12 áp dụng hình thức thi này với một vài môn chưa kịp kiểm tra trực tiếp. Đến 11/5, trường đã gần như hoàn thành kế hoạch giáo dục của năm học.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09/2021, quy định trường hợp bất khả kháng, các trường được tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến, đảm bảo chính xác, công bằng. Bộ yêu cầu các trường căn cứ tình hình dịch bệnh để bố trí thời gian kiểm tra học kỳ hợp lý cho học sinh.
Thanh Hằng