Ông Đặng Văn Ảnh, Trưởng thôn Liên Tài Năng, xã Tùng Lộc, khiến nhiều người bất ngờ, ghé lại hỏi han khi đến điểm thi trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Để chuẩn bị cho buổi thi Văn sáng 28/6, ông Ảnh dậy lúc 5h để ôn bài, sau đó hít thở một hơi thật sâu rồi lái xe máy hơn 15 km đi thi.
Người đàn ông 46 tuổi cho hay đã theo học ba năm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện. Năm 1993, do nhà đông anh em, lại khó khăn nên ông học hết lớp 9 thì phải nghỉ học. Năm 2010, ông được bầu làm trưởng thôn.
"Làm trưởng thôn quản lý hơn 400 hộ dân, tôi muốn học lên để tích lũy thêm kiến thức, tìm tòi những điều mới lạ giúp bà con phát triển kinh tế", ông Ảnh nói.
Ba năm học bổ túc, hàng ngày ông Ảnh chịu khó tới trường cách nhà khoảng 5 km. Rời xa sách vở hàng chục năm, ban đầu tiếp thu kiến thức chậm, ông Ảnh rất ngại. Ngoài việc học, ông còn lo việc đồng áng, các hoạt động của thôn nên lịch trình hầu như dày đặc.
Người đàn ông 46 tuổi chia sẻ những ngày gần thi khá áp lực, nhiều hôm đi làm đồng về muộn nhưng sáng hôm sau phải thức dậy sớm để ôn bài. Ông Ảnh "ngán" nhất môn Toán, đôi lúc một bài phải giải trong mấy ngày, nên ngoài học ở trường, ông cũng lên mạng để tìm thêm bài giải cho quen.
"Tôi từng nghĩ sẽ bỏ cuộc. Nhờ được vợ con ủng hộ nên quyết tâm để hoàn thành mục tiêu của mình", ông Ảnh nói.
Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc - ông Nguyễn Chỉ Tùng đánh giá cấp dưới tâm huyết trong công việc, luôn đi đầu trong mọi hoạt động xây dựng nông thôn mới.
"Bên cạnh việc xã hội, ông Ảnh rất cầu thị, luôn học hỏi mọi lúc mọi nơi. Khi đỗ tốt nghiệp, xa hơn nữa là đại học, tôi tin ông ấy sẽ đem những kiến thức mà mình tích lũy được để giúp quê hương ngày càng phát triển", ông Tùng nói.

Ông Đặng Văn Ảnh tại điểm thi trường THPT Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sáng 28/6. Ảnh: Đức Hùng
Hôm nay, hội đồng thi Đông Thụy Anh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cũng có một thí sinh đặc biệt. Đó là thí sinh nhiều tuổi nhất của tỉnh - ông Nguyễn Duy Lam, 52 tuổi, trưởng thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng.
Ông Lam cho biết cậu con trai lớp 11 gọi ông dậy ôn bài từ bốn giờ sáng. Ông ngồi xem lại một số tác phẩm trước khi đến điểm thi cách nhà chừng 17 km. Tối qua, ông đã dặn vợ đồ xôi đỗ để ăn sáng cho may mắn.
"Tôi khá hồi hộp vì tuổi này rồi vẫn ngồi cùng phòng thi với các cháu", trưởng thôn Tây Thượng Liệt, nói trưa 28/6.
Vị trưởng thôn cho hay ông sinh ra trong gia đình nghèo có 7 anh, chị em. Nhà đông con nên học xong cấp hai, ông nghỉ ở nhà đi chăn trâu giúp bố mẹ. Sau đó, ông có một thời gian đi làm ở Hà Nội. Ông về quê rồi tham gia công việc của thôn từ năm 2015 rồi theo học trung cấp Nông nghiệp Thái Bình. Đầu năm 2021, ông đi học tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thái Thụy vào các ngày từ thứ 6 đến chủ nhật.
"Tôi muốn được nâng cao trình độ văn hóa và trau dồi kiến thức để áp dụng vào cuộc sống", ông Lam nói.
Ông chia sẻ do đã có tuổi nên nắm kiến thức không nhanh bằng các bạn trẻ. Công việc ở thôn, xã bận rộn nên ông phải thu xếp mới hoàn thành được việc học, việc nhà và công tác xã hội. Ông Lam thường tranh thủ học bài vào buổi tối, phần nào chưa hiểu, ông nhờ các thầy cô ở trường giảng lại.

Ông Lam trong một hoạt động ở trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cả ông Lam và ông Ảnh đều tham gia 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tổ hợp xã hội (Lịch sử, Địa lý).
Ông Ảnh hy vọng dùng điểm thi để đăng ký xét tuyển đại học ngành Công tác xã hội. Ngoài để phục vụ tốt hơn cho công việc trưởng thôn, ông còn muốn con cháu ghi nhận sự nỗ lực của mình để noi gương học thật tốt. Trong khi đó, ông Lam cho hay trước mắt chỉ cố gắng làm hết sức có thể ở các bài thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra ngày 28-29/6 với hơn một triệu thí sinh tham dự. Thí sinh cao tuổi nhất của kỳ thi năm nay là bà Ngô Thị Kim Chi, 64 tuổi, ở TP HCM.