Quyết định được công bố ngày 31/12 tại lễ trao bằng di tích cấp thành phố. Ngoài hai công trình trên còn có Nhà thờ Thủ Thiêm (quận 2), Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (quận 2) và Lăng Võ Tánh (quận Phú Nhuận) được cấp chứng nhận trong đợt này.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tiền thân là trường Lasan Taberd, được cha Henri De Kerlan (Cha Sở coi Thánh đường Sài Gòn) tự xuất tiền riêng sáng lập và xây dựng, đặt tại dinh của Tri phủ Tân Bình đời Tự Đức năm 1874.
Trường hoàn thiện năm 1887, đầu tiên để nuôi trẻ mồ côi lai Âu và lai Pháp bị bỏ rơi, sau này thu nạp học sinh không phân biệt lương – giáo. Ban đầu, trường có 58 học trò do các tu sĩ, truyền giáo sư gồm hai người Việt nam và hai người Pháp dạy dỗ.
Từ năm 1889, các sư huynh đầu tiên của trường Công giáo được mời từ Pháp qua, tiếp tục xây dựng trường để dạy học sinh từ cấp Tiểu học đến Đệ nhị cấp. Năm 1949, trường có hơn 1.200 học sinh, đào tạo nhiều nhân tài.
Tháng 12/1975, trường được bàn giao cho ngành giáo dục TP HCM, tiếp tục các bậc học phổ thông đến hết tháng 9/1976 rồi trở thành trường Trung học Sư phạm. Năm 2000, khi trường Trung học Sư phạm sáp nhập với Cao đẳng Sư phạm TP HCM, cơ sở vật chất của trường được bàn giao về Sở Giáo dục và Đào tạo để thành lập trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Hiện đây là một trong hai trường THPT chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM quản lý, có hai cấp THCS và THPT.
Trường THCS Võ Trường Toản được thành lập năm 1955, tiền thân là trường Sư phạm Nam Việt với phong cách xây dựng theo kiến trúc cổ châu Âu. Một năm sau trường Nam trung học Võ Trường Toản được thành lập với ba lớp Đệ thất. Học sinh là những người đậu kế tiếp trong kỳ thi tuyển vào Đệ thất Pétrus Ký khóa tháng 7/1955.
Trước đây, trường Võ Trường Toản đào tạo học sinh giỏi của Sài Gòn, có các lớp từ đệ thất đến đệ nhất (lớp 6 đến lớp 12) và phụ trách thêm một ban tiểu học. Năm 1975, trường Võ Trường Toản được thành lập, dạy cấp một và cấp hai. Hơn 20 năm sau đó, trường mới mang tên THCS Võ Trường Toản.
TP HCM hiện có 172 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia và 114 di tích cấp thành phố.
Tại các di tích cấp thành phố, mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực đã khoanh vùng bảo vệ đều bị cấm. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất ở di tích phải được phép của Chủ tịch UBND thành phố.