Góc trâm to bằng một người ôm, tán xoè tròn, cao gần chục thước, Chau Rich dùng thang tre dài khoảng 6 m và một cây tre nguyên mắt dài 2 m để hái những nhánh thấp. Người đàn ông quê Tri Tôn nhẹ nhàng hái từng trái bỏ vào sọt, lúc đầy bẻ thêm vài chùm lá để lên mặt chống nắng cho loại đặc sản ở núi Tô.
"Trâm dập, héo sẽ không ngon, bán giá thấp", Rich cho biết trong lúc trút sọt trâm vào rổ lớn cho vợ. Ngoài cách hái từng trái, gần cuối vụ, trái chín hết, hai đến ba người khoẻ mạnh trèo lên cây rung mạnh, trâm rớt lộp độp xuống vải mùng hoặc lưới cước giăng sẵn bên dưới. Người hái chỉ việc lựa bỏ lá, nhánh khô và trái sâu, tiết kiệm khá nhiều thời gian.
Cả sáu cây trâm của anh Rich đều mọc ven đê, cạnh thửa ruộng của gia đình. Vốn là thức quà của trẻ con xứ núi, khoảng 10 năm trước người dân bày bán ven đường cho khách thập phương dịp vía bà Chúa Xứ Núi Sam, lâu dần trở thành nghề hái ra tiền. Trung bình mỗi cây hơn 10 năm tuổi hái được 200-300 kg mỗi mùa, giá bán cho thương lái 30-40 nghìn một kg. "Cây này không ai trồng, mọc trên đất người nào thì người đó tới mùa đi hái", Rich nói.
Mùa trâm bắt đầu từ giữa tháng 4, kéo dài đến hết tháng 6. Trái trâm to bằng ngón tay, mọc thành từng chùm, lúc chín màu đen, vị chua ngọt, khá quen thuộc với người miền Tây. Chúng mọc rải rác ở đồng ruộng, ven đường song nhiều nhất ở miền biên viễn An Giang.
Gần đó, vợ chồng chị Neng Soc Heng đang thu hái trâm. Đàn ông trèo hái, phụ nữ nhặt trái chín rụng để riêng. Trên cây, ngoài chồng chị Heng, mấy đứa trẻ trong nhà cũng đu trên cành, tíu tít vừa hái vừa ăn thức quà thiên nhiên ban tặng. Thấy chúng vui vẻ, người mẹ cười dặn các con cẩn thận, chú ý cành khô.
Cây trâm gần 20 tuổi, chị Heng được người thân cho hái bán với lời dặn, hái xong nhớ tỉa bỏ số cây tầm gửi (cây ký sinh), nhánh khô, để mùa sau trái sai hơn. Cây mọc hoang dã không được chăm sóc, tưới nước, bón phân, song nếu bị tầm gửi nhiều sẽ mất sức, ra hoa ít. Vì bận làm thuê, trồng rẫy nên người mẹ của 7 đứa con quên mất mùa thu hoạch trâm. Đến khi ra hái, trái chín rụng khá nhiều, mới thu hai ngày được gần 50 kg, trái trên cây cũng hết.
Cách cánh đồng núi Tô không xa, gần chục người bày bán những rổ trâm được tuyển chọn kỹ càng. Chị Ma Lin, mỗi ngày bán gần 20 kg trâm, giá 50-60 nghìn đồng, lời vài trăm nghìn đồng. Nhà chị có gần chục cây trâm, hái bán từ đầu tháng 4. Trong rổ còn gần một kg, chị quyết định mang về ngâm rượu. "Ở đây nhà có chừng 5 cây trâm là đủ sống 2-3 tháng sắp tới", chị Lin cho biết.
Trâm thân gỗ, cao, nhiều cành lá, sinh trưởng tự nhiên, khoảng 7 năm tuổi bắt đầu cho trái, tuổi thọ kéo dài cả trăm năm. Hàng năm, cây trâm cho ra hoa khoảng giữa tháng ba và cho thu hoạch trái kéo dài đến tháng 6.
Quả trâm nhiều hình dáng khác nhau, tròn hoặc dài, cơm nhiều hay ít tuỳ hạt bên trong lớn hay nhỏ. Thời tiết cũng quyết định kích cỡ trái, nắng quá trái teo tóp, mưa nhiều trái to, mọng nước, dễ nứt. Trái trâm vị chua ngọt tuỳ mỗi cây. Trâm có thể chấm kèm muối ớt để tăng thêm hương vị. Ai ăn trâm, miệng lưỡi đều nhuộm màu tím đặc trưng mà ít trái cây nào có được.
Ngọc Tài