Để triển khai các nội dung, đề án thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, TP HCM vừa thành lập hai tổ công tác do Chủ tịch Nguyễn Thành Phong và Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến làm tổ trưởng. Thành viên gồm lãnh đạo các sở ngành và những chuyên gia kinh tế, tài chính công.
'Chạy nước rút'
Thành phố xác định có 21 đề án phải thực hiện. Trong đó, 8 đề án cần tổ chức nghiên cứu chuyên sâu.
Tổ công tác của ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo nghiên cứu 3 đề án trong nhóm quản lý bộ máy, đất đai, dự án, gồm: phân cấp ủy quyền; khảo sát, đánh giá hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ ở một số lĩnh vực; sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ công tác của ông Trần Vĩnh Tuyến có nhiệm vụ nghiên cứu 5 đề án trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Đó là: rà soát, sắp xếp lại nhà đất sở hữu Nhà nước của các cơ quan Trung ương; thực hiện trước mắt ít nhất 1-2 loại phí và lệ phí chưa có trong danh mục, tăng mức thu đã có trong danh mục; sử dụng nguồn cải cách tiền lương, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ; thí điểm tăng 1-2 loại mức thuế suất đối với một số hàng hóa tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Hai tổ công tác sẽ "chạy nước rút" để trình 4 nội dung có thể thực hiện ngay, thông qua kỳ họp HĐND bất thường vào tháng ba, gồm: thu nhập tăng thêm cho cán bộ; phân cấp, ủy quyền; chống thất thu thuế; tăng ít nhất một loại phí, lệ phí. Các đề án khác sẽ được trình HĐND thông qua kỳ họp giữa năm hoặc quý ba.
Trung ương quyết định nhiều đề án trọng điểm
Trong quá trình thực hiện, TP HCM sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu các đề án thuộc thẩm quyền của Trung ương, quyết định trước tháng 12 gồm: tăng thuế đối với hàng hóa tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường; phương án triển khai đường Vành đai 3; phát hành trái phiếu, thu hút nguồn vốn trong dân...
Dự thảo các đề án sẽ được gửi cho HĐND, Mặt trận tổ quốc để giám sát, góp ý, phản biện.
Trước khi thành lập hai tổ công tác đặc biệt, cuối năm 2017 TP HCM đã tổ chức họp với các chuyên gia, sở ngành để chuẩn bị thực hiện cơ chế đặc thù.
TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng), TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright)... cho rằng, việc thành phố được tăng thuế, phí mới là điều đáng mừng nhưng phải nghiên cứu sâu, đánh giá tác động tổng thể.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (với ôtô nhập khẩu, thuốc lá, rượu...) phải hợp lý nếu không doanh nghiệp có thể chuyển qua tỉnh khác hoạt động, TP HCM sẽ thất thu. Đồng thời, thành phố phải cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp, đảm bảo tính công bằng trong thu thuế.
Kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX ngày 7/12/2017 thông qua Nghị quyết triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Trong đó, UBND TP HCM được giao nhiệm vụ tham mưu trình HĐND xem xét, quyết định danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; danh mục các dự án nhóm A sử dụng ngân sách; dự toán, phân bổ ngân sách thành phố hàng năm bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. UBND TP HCM hoàn tất các đề án trình HĐND TP HCM xem xét, quyết định vào giữa năm 2018, gồm: thực hiện nguồn cải cách tiền lương còn dư; thực hiện các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục; tăng lương cho cán bộ; đề án tăng thuế suất một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; huy động vốn đầu tư xã hội... |
Tuyết Nguyễn