Đầu tháng 12/2019, hàng nghìn người dân và du khách tìm đến vườn cúc họa mi ở Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng nằm khuất sâu trong những con đường ngoằn nghèo, thưa thớt nhà dân ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ).
"Tôi không nghĩ một ngày có thể được ngắm nhìn, chụp ảnh thỏa thích với cúc họa mi", chị Khánh Hồng (33 tuổi, trú Đà Nẵng) nói. Trung tâm mở cửa cho khách vào tham quan và chụp ảnh miễn phí.
Không chỉ người dân địa phương mà nhiều du khách ở Hà Nội lên kế hoạch đi du lịch Đà Nẵng đúng mùa cúc họa mi ở quê nhà cũng tìm cho kỳ được đường vào vườn hoa vừa trồng thành công ở miền Trung.
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng Vũ Thị Bích Hậu tươi cười nhìn du khách và người dân chiêm ngưỡng cúc họa mi. Thi thoảng, bà phải nhắc nhở người vào vườn không dẫm hoa, bẻ cành.
Bà Hậu đưa ra ý tưởng trồng thử nghiệm cúc họa mi ở Đà Nẵng. "Sinh tại Hà Nội nên tôi muốn đưa giống hoa tinh khôi này đến quê hương thứ hai của mình", bà nói.
Nhưng từ ý tưởng đến hiện thực là khoảng cách không nhỏ, bởi cúc họa mi thích hợp nhiệt độ khoảng 24-25, trong khi Đà Nẵng cùng thời điểm cây ra hoa thường nắng gió và nhiệt độ cao hơn rất nhiều.
Tin tưởng "đàn em" cùng tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Kobe (Nhật Bản), bà Hậu "khoán" luôn việc trồng cúc họa mi cho anh Nguyễn Quyết (33 tuổi), Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật của Trung tâm công nghệ sinh học.
"Đó là một đề bài khó", TS Quyết nhớ lại. "Nhưng cứ nghĩ cảnh nhiều người Đà Nẵng bay ra Hà Nội chỉ để chụp ảnh với cúc họa mi, tôi càng thêm quyết tâm thử nghiệm để người dân tiết kiệm được tiền bạc và thời gian", anh nói.
Tiếp nhận dự án, anh Quyết tập trung nghiên cứu về thổ nhưỡng, nhiệt độ cây có thể sinh trưởng... rồi tìm đến làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) để học hỏi về giống cây, kỹ thuật chăm sóc, biện pháp canh tác, cách phòng sâu bệnh.
Có kỹ thuật, anh gọi ngay những nông dân trồng hoa lâu năm trong vùng đến để kết hợp cùng nhau tạo luống, ủ phân chuồng, đổ vôi với chế phẩm kháng nấm. Đến lúc dùng bàn tay cầm vào đất thấy tơi xốp thì trồng cây.
Mật độ trồng cúc họa mi là 50.000 cây trên 1.000 m2. Năm đầu thử nghiệm, anh Quyết cho trồng 10.000 cây trên diện tích 300 m2 đất trong khuôn viên Trung tâm công nghệ sinh học.
Cây giống được trồng xuống đất là lúc kỹ thuật chăm sóc được áp dụng triệt để, từ việc kích rễ cho cây ra đồng đều, bón thúc khi lá đã xoè khỏi mặt đất, đến theo dõi độ ẩm để không ảnh hưởng chất lượng của cây và hoa sau này.
Lần đầu được trồng ở Đà Nẵng, cúc họa mi có dấu hiệu sốc nhiệt. Anh Quyết dùng trấu và vỏ đậu, bổ sung phân vi sinh để tăng đề kháng và cung cấp dinh dưỡng. Khi cây đã khỏe mạnh thì bón thúc như cách trồng hoa cúc khác. Cúc họa mi cũng dễ bị các loại sâu bệnh tấn công như sâu xanh, sâu khoang nên anh phải thường xuyên phun thuốc, nhổ bỏ cây sâu bệnh để cách ly.
Khi thấy hoa chớm có nụ, nhóm kỹ sư mừng song "chưa dám vui" vì từ nụ ra hoa cần một tháng nữa, nếu nụ không bung, hoặc hoa không đều là thất bại.
Để đảm bảo cây ra hoa đều, anh Quyết bổ sung hóa chất. "Ngoài Hà Nội cây chủ yếu nhỏ, dài và thẳng, hoa thì cánh mỏng, màu nhạt. Còn ở Đà Nẵng nhờ có nắng nên hoa sẽ cứng cánh, màu sắc thắm hơn", anh nói về lợi thế tự nhiên.
Từ bông hoa đầu tiên đến khi cả 10.000 cây bung nở mất một tuần, anh Quyết không dám rời vườn, nhiều đêm mất ngủ. Cúc họa mi Đà Nẵng thân ngắn hơn so với Hà Nội, anh khẳng định có thể cải thiện được.
Tự tin khả năng thành công, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo giới thiệu đến các hội nông dân với mong muốn chuyển giao cách trồng vào những năm tiếp theo.
Tin vui Đà Nẵng trồng được cúc họa mi lan đi trên mạng xã hội, người dân kéo đến vườn. Ban đầu chỉ vài nhóm nhỏ, rồi nhanh chóng lên đến hàng nghìn người mỗi ngày. Tổng lượt khách sau hai tuần mở cửa là 20.000.
"Cần ba mùa nữa để kiểm nghiệm xem giống cây của mình có ổn định hay không. May mắn năm qua Đà Nẵng ít bị ảnh hưởng của bão", anh Quyết nói.
Sang năm 2020, Trung tâm công nghệ sinh học sẽ tăng diện tích trồng lên hơn 1.000 m2. "Chúng tôi sẽ làm cây giống, bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào để chủ động được nguồn. Giống đã thích nghi với Đà Nẵng rồi thì sẽ tốt hơn đưa ở Hà Nội về", anh Quyết giải thích.