GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 6/6 cho biết phổ điểm bài thi đánh giá năng lực (HSA) năm nay của hơn 100.600 lượt thí sinh có dạng phân phối chuẩn với trung vị tại 76 điểm. Điểm trung bình là 76,5.
"Dù số thí sinh dự thi HSA tăng khoảng 15-25% mỗi năm, điểm trung bình và trung vị tương đối ổn định trong ba năm trở lại đây", ông Thảo nói.
Hai nữ sinh đạt điểm cao nhất - 129 là Nguyễn Thanh Ngọc (THPT Kim Liên, Hà Nội) và Nguyễn Mai Trúc (THPT Chương Mỹ A, Hà Nội). Mức này thấp hơn 4 điểm so với thủ khoa năm ngoái.
Kế đến là hai thí sinh có cùng mức điểm 128, gồm Trần Duy Hưng (THPT Nguyễn Du, Thái Bình) và một học sinh ở Ninh Bình.
Hai thí sinh đạt 127 điểm là Trần Thị Nguyên Hà (THPT Nguyễn Du, Thái Bình) và Hoàng Văn Hòa (THPT Vĩnh Chân, Phú Thọ).
Tỷ lệ thí sinh đạt trên 110 điểm là 0,8%. Nếu tính từ mốc trên 100 điểm, tỷ lệ này là 4,5%. Số thí sinh đạt điểm 75 trở lên là 53%. Còn lại dưới trung bình. Thí sinh có điểm thấp nhất là 17.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 6 đợt, tổ chức từ ngày 23/3 đến 2/6 tại nhiều tỉnh, thành (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh).
Tổng số lượt thí sinh đăng ký dự thi là gần 104.600 nhưng số lượng dự thi chính thức là hơn 100.600. Hà Nội, Nam Định là hai địa phương có nhiều thí sinh dự thi nhất. Kế đến là Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương.
Giống như năm ngoái, bài thi HSA gồm ba phần: Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); Ngôn ngữ - Văn học (50 câu hỏi, 60 phút); Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút). Điểm tổng của bài thi là 150, thời gian làm bài chính thức 195 phút.
Hiện, khoảng 90 đại học sử dụng kết quả bài thi này để xét tuyển với điểm sàn phổ biến là 75-80.
Từ phổ điểm, ông Thảo cho rằng điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả bài thi HSA có thể bằng hoặc thấp hơn những năm trước, nếu chỉ tiêu và phương thức xét tuyển của các trường không thay đổi.