Tháng 5, J.J. Machnik, một đô vật 18 tuổi bị ngưng tim trong quá trình tập luyện để chuẩn bị cho giải đấu sắp tới. Nam sinh đổ gục khi đang chạy trên máy, gây ra âm thanh lớn đánh động đến hai bạn mình là Giovanni Scafidi và Trevor Hodgins. Biết rằng Machnik từng được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim phì đại ở tuổi 14, hai người bạn lao đến ngay tức khắc.
"Tôi nhìn thấy cậu ấy trên sàn nhà và hét lên. Tất cả những gì ùa vào tâm trí tôi lúc đó là Machnik bị bệnh tim. Điều này là thật chứ không phải một trò đùa cậu ấy bày ra", Scafidi kể lại.
Khoảnh khắc đó, cả hai suy nghĩ nhanh chóng và quyết định thực hiện các biện pháp cứu sinh cho người bạn đang trong tình trạng nguy hiểm. Hodgins nhờ mẹ gọi cấp cứu, trong khi Scafidi kéo người bạn đang bất động khỏi máy chạy để chuẩn bị hồi sức tim phổi (CPR).
Trong suốt 5 phút chờ đợi xe cứu thương, Hodgins hô hấp nhân tạo, Scafidi thực hiện động tác ép tim liên tục.
Sau đó, Machnik được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Tại đây, các bác sĩ cho cậu bé khử rung tim. Vì được sơ cấp cứu kịp thời, cậu bé có thể xuất viện sau 13 ngày.
Theo cha mẹ của Machnik, Scafidi và Hodgins đã dành thời gian học hồi sức tim phổi sau khi biết được tiền sử bệnh tim của bạn mình. Tiếp đến, cả hai dạy lại những người xung quanh để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Machnik chia sẻ cậu cảm thấy biết ơn vì hai người bạn có mặt trong khoảnh khắc sinh tử.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, lợi ích của việc thực hiện CPR vượt xa các rủi ro, có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba cơ hội sống sót cho người bị ngưng tim.
Thực tế, tình trạng ngưng tim tương tự một cơn đau tim, xảy ra khi dòng máu đến tim tắc nghẽn. Khi tim người ngừng đập, máu không thể bơm đến phần còn lại của cơ thể, bao gồm não và phổi. Người bệnh có thể tử vong trong vài phút nếu không được điều trị kịp thời. Ngưng tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong mọi tình huống. Đây là nguyên nhân gây chết người hàng đầu thế giới. Hầu hết ca ngưng tim xảy ra trong nhà, 18,8% trường hợp khác xảy ra nơi công cộng.
Hồi sức tim phổi là thủ thuật vô cùng quan trọng, giúp cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp nguy kịch. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 10 người ngưng tim ngoài bệnh viện thì khoảng 9 người tử vong. Tuy nhiên, thực hiện CPR đúng lúc và đúng cách giúp tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần cơ hội sống sót của nạn nhân. CPR cũng cải thiện hiệu quả của quá trình khử rung tim (thường được thực tại bệnh viện).
CPR giữ cho máu giàu oxy lưu thông đến não và các cơ quan khác, đến khi bác sĩ cấp cứu thực hiện các phương pháp chuyên sâu hơn để khôi phục nhịp tim bình thường.
Thục Linh (Theo Good Morning America)